Mang theo biểu ngữ đề chữ "Vắcxin" cùng dấu hỏi chấm lớn màu đỏ, kèm lời kêu gọi luật pháp bảo vệ tiêu chuẩn an toàn thuốc nghiêm ngặt hơn, hơn 20 người Trung Quốc tụ tập ngoài trụ sở Ủy ban Y tế Quốc gia hôm 30/7 và Cục Quản lý Dược Quốc gia tại Bắc Kinh hôm 31/7, theo CNN.
"Hãy thực thi lời hứa của lãnh đạo. Hãy trả lại công bằng cho nạn nhân vắcxin", là những dòng kêu gọi trên biểu ngữ.
Patrick Poon, nghiên cứu viên Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận xét đây là vụ biểu tình công khai hiếm hoi ở Trung Quốc, bởi người dân nước này rất ít tham gia biểu tình do e ngại hậu quả.
Cuộc biểu tình cho thấy nỗi lo về bê bối vắcxin, khi chính phủ Trung Quốc chưa làm rõ thông tin chi tiết kết quả vụ điều tra vắcxin không đạt tiêu chuẩn.
"Tới bây giờ dường như họ vẫn không muốn giải quyết vấn đề, vì vậy chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối", một người mẹ có mặt tại cuộc biểu tình hôm 30/7 nói.
Người mẹ trên cho biết con gái đã tiêm vắcxin DPT (bạch cầu, ho gà, uốn ván) hồi tháng ba do Viện Sinh học Vũ Hán sản xuất. Đơn vị này đã bán 400.000 liều vắcxin DPT kém chất lượng cho tỉnh Hà Bắc và thành phố Trùng Khánh vào tháng 11 năm ngoái. Đây là một trong hai công ty liên quan tới bê bối vắcxin rởm lần này, cùng với công ty công nghệ sinh học Trường Sinh ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Sơn Đông, đơn vị đã bán 252.600 liều vắcxin DPT không đạt tiêu chuẩn cho tỉnh Sơn Đông.
Sau khi tiêm, con gái hai tuổi của cô gặp phản ứng khác thường. Người mẹ đổ lỗi cho vắcxin rởm.
"Tôi trả tiền mua vắcxin mà không được giải thích về nguyên nhân gây phản ứng", cô nói. "Chính phủ nói rằng họ cần chờ báo cáo. Họ nhận định tình trạng của con tôi không liên quan đến vắcxin, nhưng tôi đã đưa cháu đi viện làm đủ xét nghiệm, kết quả không phát hiện bất thường".
Hôm 26/7, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc cho biết đã thử nghiệm vắcxin rởm, tuy "không đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn an toàn".
Sau khi thông tin về bê bối vắcxin được công bố hồi đầu tháng 7, chính quyền Trung Quốc đã lập tức mở cuộc điều tra về tính an toàn của các loại thuốc kém tiêu chuẩn. Tuy nhiên, dù đã phản ứng nhanh, chính phủ vẫn bị chỉ trích.
Từ khóa "vắcxin" hiện là một trong những từ bị hạn chế nhiều nhất trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, theo trung tâm Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Hong Kong. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đăng nhiều bài báo, dẫn lời các nhà khoa học khẳng định vắcxin dù không hiệu quả nhưng vẫn an toàn.
Chính phủ Trung Quốc đang cố gây dựng lại niềm tin của công chúng vào ngành y tế và thực phẩm, sau loạt bê bối trong những thập niên gần đây khiến người dân không còn tin tưởng vào chất lượng hàng hóa Trung Quốc.
"Có vẻ như chính phủ không có biện pháp kiểm soát vấn đề và cũng không thể loại trừ những vụ tương tự tái diễn. Do đó người dân cảm thấy thất vọng và chán nản", Poon nói.
Bê bối vắcxin là một trong hai vụ khủng hoảng lớn đối với sản phẩm y tế Trung Quốc trong vòng một tháng, sau vụ một hoạt chất trong thuốc Valsartan điều trị tim mạch bị thu hồi trên toàn cầu.
Ít nhất 22 quốc gia lưu hành loại thuốc này ở châu Âu và Bắc Mỹ chịu ảnh hưởng, khi hàng nghìn lô thuốc phát hiện chứa NDMA, một hóa chất hữu cơ có khả năng gây ung thư.
Hôm chủ nhật, công ty dược Hoa Hải, tỉnh Chiết Giang, nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc, thông báo đã thu hồi tất cả số thuốc đang lưu hành ở Trung Quốc. Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Trung Quốc cũng tiến hành kiểm tra mọi nhà cung cấp nguyên liệu cho thuốc Valsartan trên toàn quốc, bao gồm công ty Hoa Hải.