Mạng lưới tổ chức phi lợi nhuận MEAction tổ chức biểu tình bên ngoài Nhà Trắng hôm 19/9. Một số người mắc bệnh viêm cơ não tủy hoặc hội chứng mệt mỏi mạn tính (ME/CFS) nằm trên vỉa hè cầm biểu ngữ phản đối.
"Chúng tôi bị ốm, tàn tật với ME/CFS và Covid-19 kéo dài, nhưng hôm nay chúng tôi ở đây, đặt cơ thể mình vào tình trạng nguy hiểm, để nói với Tổng thống Biden rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc, rằng hàng triệu người trong chúng ta vẫn khổ sở sau khi nhiễm virus. Chúng tôi cần chính phủ hành động khẩn cấp", giám đốc vận động MEAction Ben HsuBorger cho biết trong một tuyên bố.
"Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Biden tuyên bố ME/CFS và hội chứng Covid-19 kéo dài là tình trạng khẩn cấp quốc gia", tuyên bố nêu thêm.
Hội chứng Covid-19 kéo dài là thuật ngữ mô tả những bệnh nhân có các triệu chứng kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi nhiễm. ME/CFS là bệnh mạn tính có thể mắc phải sau khi nhiễm nCoV.
Theo MEAction, các triệu chứng ME/CFS khiến 75% người mắc không thể làm việc và 25% nằm liệt giường.
Người biểu tình yêu cầu đầu tư nghiên cứu, giáo dục cộng đồng, tiếp cận phương pháp điều trị và hỗ trợ kinh tế cho những người bị Covid-19 kéo dài. Họ cũng yêu cầu chính phủ tiếp tục các phương pháp đã được chứng minh để hạn chế Covid-19 lây lan, như phân phối khẩu trang chất lượng cao và tài trợ liên bang liên tục cho tiêm chủng, xét nghiệm.
Biểu tình diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong cuộc phỏng vấn hôm 18/9 rằng đại dịch Covid-19 "đã chấm dứt" ở Mỹ. "Không còn ai đeo khẩu trang. Mọi người đều trong trạng thái tốt, vì vậy tôi nghĩ tình hình đang thay đổi", ông nói.
Nhận xét của ông Biden thu hút chú ý từ chuyên gia y tế cộng đồng và các nghị sĩ, những người nói rằng ông đang "phá hoại" nỗ lực triển khai mũi tiêm tăng cường và đảm bảo nguồn tài trợ liên tục cho xét nghiệm, điều trị.
Nhà hoạt động MEAction Claudia Carrera, người được chẩn đoán mắc ME/CFS, cho rằng Tổng thống Biden đang bỏ rơi những người như cô, lưu ý các nhóm thiểu số và thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn từ đại dịch.
"Tử vong và tàn tật do Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến các cộng đồng người da màu, Latinh, bản địa và thu nhập thấp. Chúng tôi không có được 'trạng thái tốt' như Tổng thống nói và sẽ không quên Tổng thống đang bỏ rơi chúng tôi khi ông phủ nhận đại dịch", Carrera nói.
Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, cho biết Mỹ "chưa đạt đến trạng thái mong muốn". Theo ông, đại dịch có chấm dứt hay không phụ thuộc nhiều vào cách quốc gia đối phó những biến thể trong tương lai.
Fauci chỉ ra gần 3 năm sau khi đại dịch bùng phát, 67% dân số Mỹ đã tiêm phòng, một nửa trong số đó đã tiêm một mũi tăng cường. Ông lưu ý Mỹ vẫn ghi nhận hơn 400 ca tử vong hàng ngày do Covid-19, dù con số đã giảm so với một năm trước đó.
"Phải sống chung với virus vì chúng ta không thể tận trừ. Chúng ta chỉ mới tận trừ được một loại virus, đó là với bệnh đậu mùa. Nhưng tình huống rất khác vì bệnh đậu mùa không biến đổi qua các năm, thập kỷ hay thậm chí thế kỷ", ông Fauci nói thêm.
Nhà Trắng chưa bình luận về những thông tin này.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận khoảng 65.000 ca Covid-19 mới mỗi ngày trong hai tuần qua. Ca nhiễm đang giảm ở hầu hết các bang. Các dự báo do CDC công bố nói rằng ca nhập viện và tử vong mới sẽ không tăng trong tháng tới.
Hơn một triệu người Mỹ đã chết vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này đầu năm 2020. Mỹ và phần lớn thế giới đã tổ chức lại các sự kiện lớn trong năm qua, song nước này vẫn yêu cầu người nước ngoài phải tiêm chủng đầy đủ trước khi nhập cảnh qua đường hàng không.
Một số quốc gia như Thụy Điển, Slovenia, Campuchia cũng đã tuyên bố hết dịch Covid-19, trong khi một số nước, như Trung Quốc, vẫn thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.
Huyền Lê (Theo Hill)