Người dân thành phố Bayreuth của Đức mang biểu ngữ chống chiến tranh biểu tình đêm qua, trong khi ông Hans Blix báo cáo về Iraq tại LHQ. |
Tại Melbourne, hơn 100.000 người xuống đường giương cao khẩu hiệu "Không đổi máu lấy dầu", "Chúng ta là một", "Không đánh bom Iraq". Mục tiêu công kích chính của cuộc biểu tình là Tổng thống Mỹ Bush, và cả Thủ tướng John Howard với quan điểm đồng tình với London và Washington trong vấn đề Iraq. Canberra đã đưa khoảng 2.000 quân tới vùng Vịnh.
Một chiếc máy bay mang biểu ngữ "Không chiến tranh - Hòa bình" được treo trên cảng ở thành phố Auckland, New Zealand, khi những người tham gia cuộc đua thuyền Cup nước Mỹ xuất phát.
Khoảng 6.000 thành viên phong trào vì hòa bình đã tụ họp trong cuộc xuống đường ở Tokyo đêm qua. Cũng khoảng chừng ấy người tuần hành trước sứ quán Mỹ tại Manila. Tại Sarajevo, khoảng 500 người cũng tổ chức biểu tình trong hòa bình.
Tại thành phố Manama của Bahrain, nơi có căn cứ của Hạm đội 5 Mỹ, khoảng 200 người đã đốt nến trước các toà nhà của LHQ trong thời gian ông Hans Blix đọc báo cáo trước HĐBA. "Người Ảrập cũng muốn ông Saddam Hussein ra đi, nhưng quyền quyết định thuộc về người dân Iraq chứ không phải Mỹ", một người tham gia đốt nến nói.
Người biểu tình ở thành phố Melbourne. |
Thành phố New York cũng đang chuẩn bị một cuộc tuần hành chống chiến tranh khổng lồ ngay trước trụ sở LHQ. Cảnh sát nơi này đã chuẩn bị các biện pháp an ninh, sử dụng cả các tay súng bắn tỉa và máy phát hiện phóng xạ. Các hoạt động vì hoà bình cũng sẽ diễn ra trên toàn nước Mỹ.
Trên hòn đảo sương mù, những nhà tổ chức tuần hành cho biết sẽ có số lượng lớn người tham gia. "Chúng tôi tin rằng phong trào phản chiến ở London là lớn nhất và mạnh mẽ nhất, bởi chính quyền Blair tham gia tích cực nhất vào guồng máy chiến tranh, mà người dân Anh thì không muốn điều đó", một nhà hoạt động tên Murray nói.
Ông Jesse Jackson, người vận động hoà bình nổi tiếng của Mỹ, đã tới London để hôm nay đăng đàn trước khoảng 1 triệu người tuần hành. Cảnh sát thủ đô Anh ước tính khoảng 500.000 người tham gia phản đối trên đường phố.
Chương trình đọc thơ và diễn thuyết vì hòa bình được tổ chức tại thủ đô London đêm qua. "Bush và Blair cần lắng nghe người dân trên toàn cầu. Ông Blair cho rằng Saddam đang mua thời gian. Dẫu sao, thời gian còn rẻ hơn và tốt hơn chiến tranh", ông Jackson phát biểu.
Những người phản chiến ở thủ đô Rome của Italy hy vọng khoảng 1 triệu người sẽ tham gia cuộc tuần hành hoà bình hôm nay. "Đây không phải là phong trào chính trị hay công đoàn, đây là sự tụ họp của tinh thần", nhà tổ chức Carlo Testini nói.
Tại Đức, nơi Thủ tướng Gerhard Schroeder mạnh mẽ phản đối chiến tranh, các nhóm hành động vì hòa bình cho biết hơn 100.000 người sẽ tham gia tuần hành trên toàn đất nước. Phong trào Hòa bình của Pháp đang tổ chức biểu tình ở hơn 490 thành phố, với số người tham dự riêng ở Paris ước tính 50.000.
Các cuộc biểu tình phản chiến hôm nay sẽ diễn ra ở Nga, đất nước của Tổng thống Putin với quan điểm tương đồng với Pháp, rằng các thanh sát viên cần thêm thời gian. Tại Nam Phi, những người yêu chuộng hòa bình cũng xuống đường bày tỏ thái độ phản đối kế hoạch tấn công của Mỹ và Anh.
T. Huyền (theo Reuters , AP)