Khoảng 7.000 người ngày 19/1 xuống đường ở Paris. Họ ném pháo, chai và đá vào cảnh sát, lực lượng an ninh phản ứng bằng vòi rồng và hơi cay. Một số người khênh những chiếc quan tài giả tượng trưng cho 10 người đã chết trong phong trào, chủ yếu là vì tai nạn, theo Reuters.
Phong trào "áo vàng", đặt tên theo loại áo bảo hộ màu vàng mà người Pháp phải mang theo trong xe, bùng phát vào ngày 17/11. Ban đầu các cuộc biểu tình nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu của chính phủ nhưng sau đó mở rộng sang chỉ trích Tổng thống Emmanuel Macron, đồng thời bày tỏ sự tức giận về mặt bằng thuế và chi phí sinh hoạt cao.
"Macron, từ chức đi!", một số người hét lên.
"Sao mà chúng tôi sống được với quá ít tiền?", Bernard Grignan, 65 tuổi, đã nghỉ hưu, nói.
Hồi tháng 12, Paris đã chứng kiến tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, khi những người biểu tình quá khích đốt xe hơi và phá hoại các cửa hàng. Các cuộc biểu tình trong tháng này diễn ra ôn hòa hơn.
Tuy nhiên, rắc rối bùng lên ở các nơi khác. 10.000 người ngày 19/1 tham gia cuộc biểu tình ở Toulouse, nam Pháp. Họ phá hoại một ngân hàng và các cửa hàng. 8 người bị thương, 23 người bị bắt.
Các vụ gây rối cũng diễn ra ở Bordeaux, Lyon và Marseille, tòa nhà chính quyền địa phương ở Angers, tây Pháp, bị tấn công.
Macron đã tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng vào tháng 12 năm ngoái bằng cách công bố gói biện pháp trị giá 10 tỷ EUR (11,4 tỷ USD) để hỗ trợ người hưu trí và người lao động có thu nhập thấp, đồng thời xóa bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu.
Chính quyền tổ chức các buổi tranh luận công khai trên mạng và tại các tòa thị chính về sinh thái, thuế, quyền công dân, dân chủ và các dịch vụ công trong ba tháng. Đây sẽ là nền tảng cho các biện pháp mới và dự thảo luật được đưa ra sớm nhất là vào tháng 4.
Tuy nhiên, Macron không đồng ý thay đổi chính sách giảm thuế với người giàu vì cho rằng nó giúp khuyến khích đầu tư. Nhiều người biểu tình bất mãn với chính sách này, gọi Macron là "Tổng thống của người giàu".