Một phân tích nội bộ trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cho thấy, trước khi Elon Musk mua lại Twitter hồi tháng 10/2022 với giá 44 tỷ USD, doanh thu trên mỗi nhân viên của mạng xã hội tạo ra đã sụt mạnh.
Cụ thể, con số này giảm từ 776.112 USD năm 2018 xuống 634.666 USD năm 2022, tức -18,6%. Ở chiều ngược lại, cùng khoảng thời gian trên, Twitter gần như nhân đôi số nhân viên, từ 3.920 lên 7.500 người.
Meta có tỷ lệ nhân sự tăng 143% và doanh thu trên đầu người -14%. Trong khi đó, nhân viên Apple chỉ tăng 24,2% và là một trong những công ty tăng trưởng doanh thu đầu người cao nhất, đạt 19,5%. Apple cũng là công ty công nghệ lớn duy nhất đến giờ vẫn chưa sa thải nhân viên hàng loạt.
Doanh thu trên mỗi nhân viên là thước đo đơn giản về tính hiệu quả và bắt đầu thịnh hành ở Mỹ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Dựa trên chỉ số này, nhiều giám đốc điều hành và nhà đầu tư cho rằng các công ty công nghệ đang phình quá to do tuyển dụng ồ ạt.
Sau đợt đại sa thải của Musk, nhà đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey lên tiếng xin lỗi vì đã mở rộng quy mô công ty quá nhanh. Khi tài liệu "Twitter Files" được tiết lộ, Dorsey lại tiếp tục nhận sai vì những chính sách trước đây của ông trong quá trình lãnh đạo Twitter.
Khi thực hiện đợt cắt giảm đầu tiên vào tháng 11/2022, Musk thông báo: "Thật không may, chúng ta không có lựa chọn nào khác khi công ty đang lỗ hơn bốn triệu USD mỗi ngày. Những người ở lại buộc phải làm việc cực kỳ chăm chỉ".
Dù đã nỗ lực giữ cho Twitter hoạt động trơn tru, quyết định sa thải khiến Musk phải chịu nhiều mũi dùi dư luận. Khi đó, hoạt động của Twitter được các công ty công nghệ toàn cầu theo dõi chặt chẽ. Nếu vẫn vận hành ổn dù cắt giảm hơn một nửa số nhân viên, Twitter sẽ trở thành hình mẫu cho việc tinh giản bộ máy.
Sau khi Musk thực hiện cuộc đại sa thải, hàng loạt hãng công nghệ lớn khác như Meta, Alphabet, Amazon, Microsoft, HP, Saleforces... cũng bắt đầu kế hoạch cắt giảm diện rộng. Dữ liệu từ trang theo dõi Layoffs.fyi cho thấy, hơn 157.000 kỹ sư công nghệ đã mất việc chỉ trong đầu năm nay.
Business Insider dẫn lời nhà đầu tư PayPal Mafia Keith Rabois rằng ông ủng hộ việc sa thải và cho rằng đó là cái giá của làn sóng tuyển dụng ồ ạt, tạo ra những việc làm ảo, được bơm thổi bởi thước đo phù phiếm dựa trên quy mô, số lượng nhân viên.
Khương Nha (theo Business Insider)