Thứ năm, 12/12/2024
Thứ bảy, 27/1/2024, 19:42 (GMT+7)

Biệt thự cổ Hà Nội thu hút người yêu thích văn hoá đến tham quan

Ngày thứ hai mở cửa, căn biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo thu hút người yêu thích văn hoá đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc cổ.

Chiều 27/1, theo ghi nhận của phóng viên, khách đến tham quan căn biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo bắt đầu đông từ 16h. Tuy nhiên, lượng khách không lớn, trung bình chưa đến 20 người tham quan bên trong biệt thự một lúc.

Đây là biệt thự Pháp đầu tiên của Hà Nội được trùng tu bài bản, kỳ vọng trở thành trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ. Công trình có tổng diện tích 993 m2, trong đó có 400 m2 mặt sàn, còn lại là thảm cỏ, lối đi.

Hiện tại, khách đến tham quan biệt thự không phải mua vé. Tuy nhiên, nhiều người phàn nàn việc không có bãi đỗ xe, phải để trên vỉa hè, dưới lòng đường.

Anh Nguyễn Huy Trung Dũng, một người chơi ảnh sống gần căn biệt thự, cho biết đã đến vào buổi sáng nhưng tiếp tục trở lại vào buổi chiều để tìm hiểu kỹ hơn. Trong nhiều năm qua, anh Dũng dành sự quan tâm đặc biệt với căn biệt thự và luôn tò mò cách công trình được xây dựng.

Anh Hoàng Hải An, sống ở Hải Phòng, đưa vợ lên Hà Nội để chiêm ngưỡng căn biệt thự cổ. Từ khi nghe tin căn biệt thự được trùng tu, anh đã chờ ngày công trình mở cửa đón khách tham quan. Anh An có niềm đam mê với các giá trị văn hóa, lịch sử, đặc biệt là những công trình cổ. Vợ chồng anh từng dành thời gian ghé thăm một số kiến trúc cổ thời Pháp ở cả Hà Nội, Hải Phòng và Đà Lạt.

"Tôi đã qua đây nhiều lần nhưng nay mới có dịp ghé vào. Căn biệt thự khiến tôi cảm nhận rõ dấu ấn thời gian của Hà Nội xưa", anh nói.

Anh gợi ý những người quản lý nên tăng thêm trải nghiệm cho khách như trình chiếu video, bán thêm một số mặt hàng lưu niệm in hình căn biệt thự.

Bên trong các gian phòng của căn biệt thự, du khách có thể xem các bức ảnh tư liệu hoặc những tờ thông tin liên quan đến căn biệt thự cũng như đời sống Hà Nội xưa.

Du khách chiêm ngưỡng tranh ảnh, hiện vật liên quan đến khu biệt thự. Một số hiện vật được trưng bày tại đây gồm gạch, sứ cách điện, vật liệu trang trí bằng đất nung, các giá đỡ bằng sắt chôn trong tường, mảnh gỗ bị mối mọt.

Không gian bên trong biệt thự được để trống, chỉ treo ảnh và bày một số đồ trang trí như lọ hoa.

Anh Trung Mai, nhà sáng lập Hà Nội Ad Hoc và tham gia trực tiếp vào quá trình trùng tu căn biệt thự cổ, kể những câu chuyện về cổ vật tìm thấy trong căn nhà. Trong chiều 27/1, anh tổ chức một buổi giới thiệu về căn biệt thự cổ cho những người bạn nước ngoài.

Kiến trúc sư này nói rất vui khi biệt thự cổ được trùng tu và trở thành không gian văn hóa để người dân, du khách trải nghiệm. Thông qua những buổi tham quan, anh kỳ vọng mọi người thay đổi nhận thức về di sản.

"Di sản không nhất thiết phải giữ nguyên trạng, chúng cũng cần có đời sống mới", anh nói.

Một số bức ảnh cổ được chú thích về sự kiện lịch sử hoặc bối cảnh liên quan. Ở gữa là bức ảnh về đường phố Hà Nội đầu thế kỷ 20; bên trái là bức ảnh một người phụ nữ, được chú thích chi tiết về kiểu tóc, đôi giày và chiếc khăn lông sẫm màu trên ghế.

Du khách có thể tham quan hai tầng của khu biệt thự thông qua hệ cầu thang xoắn.

Hedvig Liestoel (trái), đến từ Na Uy và Muchun Mack Niu đến từ New York, cùng tham quan biệt thự trong chiều 27/1.

"Tòa nhà này nằm ở vị trí đặc biệt của Hà Nội là một kiến trúc lịch sử sống động", Mack Niu nói. Anh nhận xét chuyến tham quan như một bài học lịch sử qua ảnh. Ngoài ra, anh cũng ấn tượng khi nhìn thấy nhiều cổ vật trong căn nhà được giữ nguyên trạng.

Chị Quỳnh Hương, sống tại quận Hai Bà Trưng, đã biết đến biệt thự này từ bé và vẫn hay ngắm nhìn cái cây cổ thụ phía sân sau mỗi lần đi qua. Hồi nhỏ, chị Hương sống ở tầng hai của một căn biệt thự ở Lò Đúc. Khi tới đây, chị cảm thấy sự thân thuộc khi lại được nhìn thấy cầu thang, mặt sàn làm bằng gỗ.

Không gian bên ngoài biệt thự cổ. Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử.

Theo UBND TP Hà Nội, thành phố có 1.216 biệt thự cũ nằm trong danh mục quản lý, được xây dựng từ trước năm 1954.

Tú Nguyễn

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net