Ghi nhận của VnExpress cho thấy, tổng lượng lượng giao dịch thành công ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng (tại các thủ phủ du lịch ven biển) trong tháng qua không quá một bàn tay. Các sản phẩm này có giá dao động từ 10 đến 72 tỷ đồng một căn.
Trong đó, ở miền Nam, một dự án biệt thự biển ở Hồ Tràm, Phước Thuận, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ đầu tư chỉ mở bán 5 căn, giá dao động 16,5-72 tỷ đồng một căn tùy diện tích, nhưng không có khách mua.
Tại miền Trung, rổ hàng tồn (lũy tiến cộng dồn sản phẩm cũ còn ế) của các dự án biệt thự biển tại Đà Nẵng, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Bình Thuận cũng mở bán cầm chừng và không xuất hiện giao dịch phát sinh. Rổ hàng biệt thự biển tại miền Trung có giá dao động 0,5-1-2,5 triệu USD một căn đều vắng khách đến mức chủ đầu tư thận trọng không tổ chức các sự kiện bán hàng để nghe ngóng thêm.
Riêng tại miền Bắc, duy nhất một dự án tại Hòa Bình bán biệt thự nghỉ dưỡng giá 8,8-10,2 tỷ đồng một căn, chỉ ghi nhận một giao dịch thành công.
Báo cáo bất động sản nghỉ dưỡng của DKRA Group cũng cho thấy, trong tháng 5, trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán lần đầu) ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam chỉ bán được một căn biệt thự biển, lượng tiêu thụ giảm 99,6% so với cùng kỳ. Sức mua yếu càng khiến nhiều dự án sơ cấp đóng giỏ hàng sớm hoặc tạm ngưng hoạt động marketing để bán hàng.
Theo đơn vị này, giá bán sơ cấp đi ngang nhưng rất nhiều chủ đầu tư tiếp tục áp dụng các chương trình hỗ trợ lãi suất, chiết khấu nhanh lên đến 40 - 50% trong bối cảnh thị trường địa ốc khát tiền mặt. Các yếu tố về pháp lý, lãi suất, sự hồi phục chậm của ngành du lịch cũng là nguyên nhân khiến thị trường nghỉ dưỡng rơi vào trầm lắng.
Báo cáo chuyên đề thực trạng thị trường bất động sản do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố cũng cho thấy, thị phần truyền thống của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chủ yếu dựa vào các dự án khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các dự án trên thị trường tại hầu hết các địa phương trong tình trạng đắp chiếu, chờ phê duyệt hoặc xây dựng dở dang, trong đó có nhóm nghỉ dưỡng tại các tỉnh ven biển Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Bình Thuận...
VARS đánh giá, với tình hình kinh tế suy giảm, hiệu quả sử dụng và kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt nhóm tài sản có giá trị lớn gặp nhiều thách thức, thanh khoản xuống thấp.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, dù quy định về việc cấp sổ đỏ cho một số loại hình bất động sản mới, trong đó có tài sản nghỉ dưỡng đã được ban hành nhưng quá trình thực hiện luôn có độ trễ. Mặt khác, những vướng mắc về pháp lý, sự khó khăn tài chính khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc hoàn thành và bàn giao dự án cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo bà Trang, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cộng thêm kinh tế khó khăn, việc giải quyết thủ tục pháp lý còn chậm, đã khiến các nhà đầu tư nản lòng, thị trường đã có hiện tượng bán cắt lỗ của những người khó khăn tài chính. Do đó, trên thị trường thứ cấp, giá bất động sản nghỉ dưỡng ven biển có khả năng vẫn không tăng so với mức ban đầu mua từ chủ đầu tư. Thậm chí, có hiện tượng cắt lỗ bởi số lượng lớn các nhà đầu tư cũ đang dần suy yếu tài chính và cần thu hồi vốn.
CEO Cushman & Wakefield dự báo, bất động sản nghỉ dưỡng cần chờ đợi sự hồi phục từ nền kinh tế toàn cầu và trong nước cùng với việc quy định cấp sổ đỏ có hiệu lực. Ngoài ra, động lực cũng đến nếu thị trường du lịch có chuyển biến tích cực hơn. Các yếu tố đó cùng chuyển động mới có khả năng giúp thị trường xuất hiện tín hiệu hồi phục.
Vũ Lê