Trưa 6/5, bà Nguyễn Thị Ngà (69 tuổi, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) ngó nghiêng thấy trời chuyển mưa, liền vội vã mang xô, thau nhựa đem vào trong nhà. Tại phần sau của ngôi nhà 120 tuổi được dùng làm nơi ngủ, tập kết đồ đạc, hàng chục vật dụng tương tự nằm rải rác khắp nền nhà, mặt bàn, ghế chứa đầy nước từ cơn mưa hôm trước chưa kịp đổ đi.
Trên mái nhà, nhiều viên ngói cũ kỹ, vỡ nát, bắt đầu xuất hiện nhiều lỗ hổng bằng ngón tay. Phần lớn hệ thống cột, kèo đã bị mối mọt đục khoét hư hại, lo sợ nhà sập, bà Ngà phải thuê thợ dùng khung sắt gia cố một số vị trí.
Tại gian nhà chính - nơi thờ tự, các vách tường đều bị nứt, bong tróc, rịn nước, là nơi ở của đàn dơi hàng chục con. Như gian nhà sau, khu vực này cũng bị dột nước, bà Ngà phải dùng hủ sành, xô nhựa hứng để bảo vệ các bộ bàn ghế, tủ cổ.
Phía trước căn nhà, phần lớn hệ thống cột chống đều bị gãy hoặc nứt toác, chủ nhà phải dùng các đoạn gỗ chống tạm. Nhiều hoa văn đắp nổi lẫn gạch ốp bị bong, rơi vỡ, các cánh cửa chính, cửa sổ bằng gỗ, sắt đều đã mục nát. Do hàng ba nhà hư hại nặng, bà Ngà dùng làm nơi chất củi.
Căn nhà cổ rộng khoảng 500 m2 này do ông nội bà Ngà xây dựng, đã được công nhận di tích quốc gia 13 năm trước. Nhiều năm nay, anh em trong gia đình bà muốn sửa chữa lại căn nhà, nhưng điều kiện kinh phí quá lớn, mặt khác cũng không thể tự ý thay đổi kết cấu, hiện trạng nhà cổ. Hiện, căn nhà chỉ có một mình bà Ngà ở.
"Tỉnh đã cử nhiều đoàn khảo sát hiện trạng căn nhà nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa nghe nói gì về kế hoạch trùng tu, trong khi không biết căn nhà sẽ còn trụ được bao lâu nữa, nhất là đang mùa giông bão", bà Ngà nói.
Theo ông Đỗ Văn Xoài, cán bộ phụ trách văn hóa, UBND xã Thanh Phú Long, căn nhà bà Ngà nằm trong cụm bốn căn biệt thự cổ từ 100 đến 120 năm tuổi trên địa bàn xã, còn gọi là di tích "Xóm nhà giàu". Cụm nhà cổ này thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn Hữu, vốn là những phú hào một thời.
Những căn nhà được xây dựng theo kiểu biệt thự thời Pháp trên khu đất rộng tổng cộng khoảng 15.000 m2. Kiến trúc các căn nhà tương đối giống nhau gồm ba gian, hai chái, cột kèo gỗ, tường gạch, mái ngói, được bao quanh bằng hàng rào sắt nghệ thuật tạo dáng một cách công phu.
Toàn bộ rường cột, vách ngăn và các vật dụng bên trong ngôi nhà đều làm từ các loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, căm xe được các nghệ nhân giỏi nhất từ kinh thành Huế chạm khắc một cách tinh xảo, cầu kỳ trong nhiều năm ròng rã. Hiện có một số hiện vật trong nhà đã trên 200 năm tuổi.
Trước đó, do chủ một căn nhà không đồng ý, nên chỉ có ba căn được công nhận di tích cấp quốc gia. Tám năm trước, một trong ba ngôi nhà do xuống cấp nặng, đã được nhà nước bỏ kinh phí trùng tu khoảng 7 tỷ đồng. Một căn nhà khác bị hư hại ít hơn, hiện đã được chủ tự bỏ hàng trăm triệu đồng tu sửa, chỉ còn lại căn nhà của bà Ngà hiện hư hại nặng nhất.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng - Thư viện Long An cho biết, toàn tỉnh có 122 di tích, trong có 21 di tích cấp quốc gia. Hiện khoảng 30% di tích trong số này cần phải trùng tu. Thông thường, nhà nước chỉ bỏ 100% kinh phí trùng tu đối với các di tích lịch sử cách mạng, các di tích khác như đình, chùa, nhà tư nhân thì phải kết hợp thêm nguồn vốn xã hội hóa.
"Chúng tôi đã nhiều lần khảo sát căn nhà cổ nói trên, tuy nhiên, do số lượng công trình lớn, trong khi kinh phí từ Bộ mỗi năm rót về cho việc sửa chữa chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, nên sẽ tiếp tục chờ bố trí vốn", ông Thiện nói.
Hoàng Nam