Bạn tôi về đã viết một bài tự thán nhỏ rất xúc động, gửi cho tôi đọc đầu tiên. “Mình biết nước ta nghèo (nói chung, rất chung thôi). Nhưng có nghèo đến thế không?” - bạn tôi hỏi, về những bữa cơm chỉ có cơm trắng và ít rau cải nấu nước lã của trẻ con. Dù là người đi miền núi nhiều, chứng kiến sự đói ăn, thiếu mặc của nhiều học sinh các vùng nhưng tôi cũng không cầm nổi nước mắt khi đọc bài viết.
Chính từ bài báo này với sự ủng hộ của độc giả trong, ngoài nước, chương trình “Cơm có thịt” - tiền thân của “Quỹ Trò nghèo vùng cao” ra đời. Đã có hàng tỉ đồng được các nhà hảo tâm khắp nơi gửi vào quỹ, có thêm những đứa trẻ có thịt ăn trong bữa cơm ở trường nội trú, và cả những ngôi trường mới được xây, vì những sự xúc động như thế.
Suối Giàng chính là điểm trường đầu tiên được thụ hưởng. Yên Bái sau đó vẫn liên tục nhận được sự giúp đỡ. Dẫn điều đó để thấy không chỉ là gạo cứu đói mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa Yên Bái đang rất cần sự trợ giúp của cộng đồng xã hội.
Yên Bái là một tỉnh rất nghèo. Khi dư luận bùng nổ về biệt phủ 13.000 mét vuông của ông Phạm Sĩ Quý (do vợ đứng tên) được xây dựng hoành tráng cũng là thời điểm tỉnh này được Thủ tướng chính phủ ký xuất cấp 462,72 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong kỳ giáp hạt đầu năm 2017.
Tôi không muốn bàn về tính pháp lý của những “biệt phủ” trên Yên Bái. Đó có thể là tài sản hợp pháp của các vị đầu sở - như cách họ giải trình. Nhưng tôi muốn nghĩ về văn hóa.
Những thành tựu của công cuộc Đổi Mới từ những năm cuối thập niên 80 đã đưa mức sống người dân cả nước lên một mặt bằng cao hơn thời bao cấp rất nhiều. Cơ hội làm giầu mở ra cho không ít người và thật sự đất nước đã hình thành một giới “tư sản” mới với khoảng cách lớn so với đời sống người dân bình thường. Họ là những doanh nhân ở mọi lĩnh vực. Sự thành đạt về của cải vật chất đủ thỏa mãn để những người ở giới này có cuộc sống vương giả. Không ít lâu đài, biệt thự, trang trại mọc như nấm ở khắp mọi nơi, mọi chỗ trên khắp các vùng miền. Điều kiện công việc cho tôi đi rất nhiều nơi và chứng kiến không ít công trình nguy nga gấp nhiều lần những biệt phủ đang được nhắc đến trên báo mấy ngày nay. Ai cũng hiểu đồng tiền kiếm được, chủ nhân của nó muốn sử dụng thế nào là quyền của họ. Nguồn gốc đồng tiền ấy đã được pháp luật bảo hộ bởi nếu bất minh sẽ bị xử lý. Nhưng quan chức liệu có khác?
Trong bối cảnh của địa phương nghèo, nhiệm vụ chính trị của những ông ủy viên hội đồng, là tìm kiếm nguồn lực xã hội để giúp quê mình thoát nghèo. Yên Bái đã có nhiều nỗ lực thể hiện mong muốn này. Họ mới thành lập một chương trình tên là “Cà phê doanh nhân” - nơi các doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo tỉnh, mỗi tháng một lần, trong không khí gần gũi thân mật, để cùng bàn cách làm giàu cho địa phương.
Nhưng tôi cứ tưởng tượng rằng, nếu để gần gũi hơn nữa, quyết tâm cùng đồng lòng giúp tỉnh thoát nghèo hơn nữa, một nhà đầu tư lớn (có thể từ nước ngoài), được một vị quan sở mời về tư gia cùng bàn việc, thì họ sẽ nghĩ thế nào? Họ sẽ xúc động, và đầu tư vào Yên Bái rất nhiều tiền chứ?
Không phải tự nhiên mà nhiều chính trị gia đương đại như Jose Mujica - tổng thống Uruguay, hay là Lý Quang Diệu - thủ tướng Singapore, sống trong những căn nhà giản dị. Dù đó là những nước giàu hơn chúng ta rất nhiều. Cũng không phải tự nhiên mà nhiều chính khách Việt Nam thế hệ trước cũng chọn lối sống giản đơn. Đó không phải là tính cách, mà là một ý thức về nhiệm vụ. Họ đã lựa chọn một sự nghiệp, mà nhiệm vụ cốt lõi nhất, là “đại diện cho người dân”.
Những căn nhà lộng lẫy tất nhiên không đại diện cho người dân Yên Bái, năm nào cũng phải nhận ngân sách từ trung ương.
Những căn biệt phủ mọc lên và được giải thích qua loa về nguồn gốc tài sản, tôi có thể chấp nhận. Nhưng tôi nghĩ về “văn hóa quan chức”. Một lối văn hóa ứng xử, khi anh đã lựa chọn sự nghiệp đại diện cho người dân. Nó không liên quan đến việc anh có nhiều tiền hay không.
Năm ngoái, một cô hoa hậu mới 19 tuổi, mặc đầm công chúa đi thăm bệnh nhi cũng nhận rất nhiều sự bàn tán. Những “biệt phủ” mọc lên giữa một tỉnh mà nhiều người dân đang đói, gây nhói lòng cho tôi gấp triệu lần bộ đầm công chúa của hoa hậu.
Cho dù họ có tiền, cho dù luật pháp không cấm họ hưởng thụ chút xa hoa, nhưng họ đã có thể làm tốt hơn sứ mệnh của mình, nếu đừng tiêu kiểu ấy.
Phạm Ngọc Tiến