Trần Đình Kính (1638-1712), quê ở Trạch Châu, ngày nay là huyện Dương Thành, thành phố Tấn Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông xuất thân trong gia đình có truyền thống học vấn cao.
Trần Đình Kính thông minh từ nhỏ, 9 tuổi đã sáng tác bài thơ đầu tiên về hoa Mẫu Đơn. Năm 1651, Trần Đình Kính khi ấy 13 tuổi, cùng cha tham gia cuộc thi phủ ở Lộ An. Ông đỗ tú tài, đứng nhất bảng, vượt qua cả người cha đã 46 tuổi. Năm 1658, Trần Đình Kính đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm thứ cát sĩ (nghiên cứu sinh) trong Hàn Lâm Viện.
Hàn Lâm Viện là cơ quan học thuật, nơi các học sĩ soạn thảo văn kiện triều đình như chiếu, chỉ, sắc, biên soạn quốc sử, nghiên cứu, giảng dạy kinh truyện, phụ trách khoa cử...
Năm Khang Hi thứ 11 (1672), vua chỉ định Trần Đình Kính đảm nhận chức quan ghi chép, quan sát hành động, lời nói của vua, đồng thời giảng giải, đàm đạo sách lược trị quốc với vua. Đây là chức vụ rất danh giá. Năm ấy Trần Đình Kính 34 tuổi, hơn Khang Hi 16 tuổi.
Năm 1676, ông vào nội các và thăng tiến từ quan tam phẩm lên quan nhất phẩm. Trần Đình Kính thông qua các câu chuyện lịch sử, hướng dẫn nhà vua tư tưởng trị quốc "tu thân", "đắc nhân", "lấy thiên hạ làm nhà". Khang Hi từng khen ngợi Trần Đình Kính "mỗi ngày giảng giải, giúp trẫm hiểu ra đạo lý, vô cùng bổ ích".
Hoàng Thành Tướng Phủ là nơi ở của gia tộc họ Trần, đồng thời là nơi lưu trữ những tư liệu quan trọng về Trần Đình Kính. Công trình được xếp hạng là di tích lịch sử cấp một ở Trung Quốc, nằm trên diện tích 36.000 m2 ở thị trấn Bắc Lưu, huyện Dương Thành.
Hoàng Thành Tướng Phủ xây tựa lưng vào núi, gồm 19 tòa sân viện (nhà và sân), hơn 880 gian phòng, 9 cổng, đường bên trong chia làm 4 phương 8 hướng, vây quanh là tường thành dài 1.700 m, cao 12 m.
Nhìn từ trên cao, Hoàng Thành Tướng Phủ giống như con rùa, đầu quay về hướng bắc, đuôi chĩa về hướng nam. Do đó, nơi đây còn có tên là "Quy Thành". Công trình đã được sử dụng làm bối cảnh quay một số bộ phim truyền hình.
Quần thể kiến trúc chia làm nội thành, ngoại thành và khu mồ mả gia tộc. Nội thành do Trần Xương Ngôn, bác của Trần Đình Kính, xây dựng vào năm Sùng Trinh thứ 6 nhà Minh (1633), để tránh chiến loạn. Sùng Trinh Đế (1611-1644) là vua cuối cùng của nhà Minh, hoàng đế người Hán cuối cùng cai trị Trung Quốc phong kiến.
Công trình xây theo thế núi, cao ở phía đông, thấp ở phía tây, gồm 5 cửa lớn, bố trí lỗ châu mai dọc tường thành, một pháo đài lớn ở chính giữa, góc đông bắc và đông nam xây hai đài quan sát.
Kiến trúc nổi bật trong nội thành là Hà Sơn Lâu, xây năm 1632, thời điểm chiến tranh loạn lạc cuối thời Minh. Tòa tháp nằm trên mặt bằng hình chữ nhật, dài 15 m, rộng 10 m, cao 23 m, gồm 7 tầng trong đó có một tầng hầm. Tháp có hai lớp cửa, cửa ngoài xây bằng đá chống cháy, cửa trong bằng gỗ có chốt chặn. Giữa các tầng có kho trữ nhu yếu phẩm, tầng hầm có giếng, cối xay. Nóc lầu có lỗ châu mai quan sát bên ngoài và bắn tên phòng thủ.
Ngoại thành, được gọi là Trung Đạo Trang, bắt đầu được xây dựng từ khi Trần Đình Kính gia nhập nội các. Trong khu vực này có một cổng vòm bằng đá lớn dựng bằng 4 cột, ba cửa, ba tầng, hoàn thiện năm Khang Hi thứ 43 (1704), thời điểm Trần Đình Kính trở thành quan nhất phẩm.
Trên bia khắc những chữ như "Nhất môn diên trạch" (gia tộc phát triển thịnh vượng) và "Ngũ thế thừa ân" (5 đời hưởng ân đức hoàng triều), cùng với tên và chức quan của những người trong dòng họ Trần.
Khu vực bên ngoài cổng tây của Trung Đạo Trang là tòa Ngự Thư Lâu, do Trần Trang Lễ, con trai thứ ba của Trần Đình Kính, xây dựng để tỏ lòng biết ơn của dòng họ Trần với hoàng gia. Khang Hi đế đích thân viết gần 20 bài thơ, 4 câu đối và nhiều bút ký, ban cho Trần Đình Kính và Trần Trang Lễ ở đây.
Hiện nay trong Ngự Thư Lâu còn lưu lại tấm bia đề chữ "Ngọ Đình Sơn Thôn", tên gọi ban đầu của Hoàng Thành Tướng Phủ do vua Khang Hi ban, cùng hai câu đối tả cảnh vua viết là "Xuân đến muôn hoa đua sắc thắm, Thu về một mảnh hoa rực vàng".
Hồng Hạnh (Theo Hcxfjq)