Ajay Giri cầm con rắn hổ mang chúa dài 2,5 m bằng một tay và gậy móc rắn ở tay còn lại. Chiếc lưỡi chẻ của con rắn liên tục thò ra thụt vào. Cái đuôi của nó quấn quanh cổ tay trái của Giri, ngọ nguậy không ngừng. Dưới ánh Mặt Trời buổi chiều như thiêu đốt ở Heggodu, ngôi làng làm nghề nông ở giáp khu bảo tồn rừng Agumbe, sâu bên trong dãy núi Tây Ghats của Ấn Độ, Giri tới để giải cứu rắn hổ mang chúa.
"Rắn hổ mang chúa rất rụt rè. Chúng không tấn công con người trừ khi bị kích động", Giri, giám đốc thực địa ở Trạm nghiên cứu rừng mưa Agumbe, chia sẻ.
Dãy Tây Ghats mất hơn 35% diện tích rừng mưa trong thế kỷ qua do hoạt động mở đồn điền và phát triển khu dân cư. Môi trường sống của rắn hổ mang chúa trong vùng ngày càng thu hẹp. Giờ đây, chúng mò vào tìm mồi ở các trang trại ven rừng và đến gần con người hơn. Dù rắn gây ra hơn 50.000 ca tử vong mỗi năm ở Ấn Độ, rất ít trường hợp chết do rắn hổ mang chúa cắn.
"Đối với phần lớn mọi người, đây là loài rắn đáng sợ nhất. Nhưng bạn sẽ hầu như không thấy ghi chép về rắn hổ mang chúa cắn người", Romulus Whitaker, nhà bò sát học thành lập Trạm nghiên cứu rừng mưa Agumbe kiêm nhà đồng sáng lập tổ chức King Cobra, cho biết.
Dù rắn hổ mang chúa là một trong những loài rắn độc nhất thế giới, chúng không quan tâm tới con người. Tên khoa học của chúng hé lộ mục tiêu săn mồi thực sự, Ophiophagus hannah có nghĩa là "kẻ ăn rắn". Loài rắn này có vai trò thiết yếu đối với hệ sinh thái, theo Meghana Nagaraja, cán bộ quan hệ công chúng của trạm nghiên cứu. Nagaraja đồng hành với Giri tới Heggodu để giải cứu rắn. Các trang trại thu hút nhiều chuột và chuột kéo theo rắn, bao gồm vài loài rắn độc giết chết nhiều người. Rắn hổ mang chúa giúp duy trì cân bằng sinh thái bằng cách ăn những loài rắn đó.
Giống như hầu hết người dân Ấn Độ, cư dân trong vùng sợ rắn hổ mang chúa nhưng cũng coi chúng như thần linh. Sự tôn thờ này giúp Nagaraja và đồng nghiệp dễ dàng thuyết phục người dân địa phương liên lạc với nhân viên của trạm thay vì làm hại loài vật.
Trạm nghiên cứu rừng mưa Agumbe đứng đầu cả nước về số lần giải cứu rắn hổ mang chúa từ khi thành lập vào năm 2005. Giri gia nhập đội vào năm 2009, phụ trách giải cứu và nghiên cứu rắn. Con rắn quấn quanh tay của Giri là trường hợp như vậy. Hành vi săn rắn chuột bị thương của nó bị gián đoạn sau khi một nông dân tìm thấy nó ở cạnh nhà.
Trong khi Nagaraja kiểm soát đám đông, Giri nhận được sự hỗ trợ từ người đồng nghiệp khác là Jaykumar SS. Jay Kumar SS có 27 năm kinh nghiệm cứu hộ. Ông và Giri đã hoàn thiện kỹ thuật để hạn chế tổn thương cho những con rắn. Đầu tiên, Kumar đuổi con rắn về phía Giri. Giri dùng gậy móc để tóm con rắn từ chóp đuôi của nó. Anh hướng con rắn về phía chiếc bẫy gần đó, một đoạn ống nhựa dài bằng cánh tay với túi vải màu xám buộc ở đầu kia. Rắn hổ mang chúa rít lên với Giri và né miệng bẫy. Nó bành mang và nhe răng, đổi hướng trườn về phía chân Giri. Anh đẩy nó ra bằng gậy móc. Ngoài đội cứu hộ, mọi người có mặt ở đó đều chùn bước. Kumar và Giri chưa bao giờ bị rắn cắn.
Dù thời gian trôi qua rất chậm với những người theo dõi màn giải cứu, Giri chỉ mất hơn 3 phút để lừa con rắn chui vào bẫy. Kumar buộc miệng túi, cẩn trọng lượng con rắn, ghi chép các chi tiết khác. Con rắn mắc bẫy sẽ được thả về rừng an toàn, nhưng nhiều đồng loại của nó không may mắn như vậy. Tại Ấn Độ, ngoài dãy Tây Ghats, rắn hổ mang chúa còn sinh sống ở Đông Ghats và những rừng mưa phía đông bắc. Các môi trường sống khác bao gồm Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Tại một số khu vực, rắn hổ mang chúa và các loài rắn khác bị giết với số lượng lớn để lấy da hoặc do tâm lý sợ hãi.
Giri ước tính Trạm nghiên cứu rừng mưa Agumbe đã nhận được hơn 2.000 cuộc gọi nhờ giải cứu trong thập kỷ qua, gần 500 trường hợp trong số đó là rắn hổ mang chúa. Mỗi cuộc gọi là một cơ hội để cứu con rắn và thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Năm 2008, trạm nghiên cứu bắt đầu dự án theo dõi rắn hổ mang chúa bằng tín hiệu vô tuyến đầu tiên trên thế giới. Nhân viên của trạm cấy thẻ điện tử bên dưới da một số con rắn được giải cứu để theo dõi chuyển động hàng ngày của chúng. Việc theo dõi cũng hé lộ nhiều chi tiết mới về loài vật, bao gồm hành vi xây tổ độc đáo của rắn hổ mang chúa cái.
"Những con rắn này sẽ không kết thúc cuộc đời ở vườn thú hoặc khu bảo tồn, chỗ ở của chúng là trong tự nhiên", Giri nói khi đặt túi chứa rắn bên dưới hàng ghế trước trên xe jeep. Sau quãng đường ngắn, anh đỗ xe ở vạt cỏ gần khu rừng, phớt lờ tiếng rít mất kiên nhẫn phát ra từ trong túi. Giri bước vào rừng và mở túi. Con rắn chần chừ giây lát rồi trườn vào sâu hơn trong rừng.
An Khang (Theo Atlas Obscura)