Chào anh chị, tôi là tác giả của bài viết: "Chồng lén gửi tiền cho ba mẹ anh". Sau khi đọc hết 11 trang comment, tôi quyết định viết thêm bài này để mọi người hiểu rõ hoàn cảnh gia đình tôi, cũng như qua đây tôi được chia sẻ tâm sự của mình. Tính cách tôi thẳng thắn nên đã nói chuyện với chồng rồi. Nhiều câu hỏi của anh chị, tôi nghĩ cần phải đính chính lại để những ai dễ viết ra những dòng đó, hãy có suy nghĩ nhiều chiều.
Gia đình tôi quê ở miền Trung, ba mất năm tôi học lớp 9, một mình má nuôi hai chị em ăn học. Tiền đối với tôi rất quan trọng. Tiền để nuôi thân, nuôi hoài bão, cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ một đứa trẻ xuất phát thấp hơn các bạn, ra trường thu nhập 16 triệu lên tới 43 triệu như hiện tại, tôi đã phấn đấu không ngừng chứ không ăn bám chồng như các bạn so sánh. Trước khi lấy chồng, tôi cũng phụ má trả nợ, nuôi em, rồi dành dụm 100 triệu để lấy chồng. Chồng tôi học cùng lớp, ra trường cùng mức khởi điểm như tôi, sau 3 năm làm, trước đám cưới 6 tháng, anh không dành dụm được một đồng nào, tiền bạc lo gửi về quê phụ giúp gia đình. Gia đình anh gốc nông dân ở miền Tây, một mình anh được ăn học, thời điểm anh ra trường thì các anh chị đều có gia đình.
Chúng tôi chỉ muốn tự làm đám cưới ở thành phố vì có bạn bè đồng nghiệp, nhưng hai bên đều muốn làm ở quê nên mỗi nhà đều tự lo chi phí. Trong đó, sau đám cưới má cho tôi tất cả tiền dư làm của hồi môn, còn ba mẹ chồng thì đòi giữ vàng cưới, tôi không đồng ý vì đó là tiền hai vợ chồng tự dành dụm. Có lẽ vậy mà nhà chồng mới chỉ cho chúng tôi 500 nghìn đồng tiền đi xe. Từ khi cưới về chúng tôi đã gửi tiền cho gia đình chồng nhưng dĩ nhiên cố định chứ không linh tinh như lúc chồng gửi. Má tôi còn trẻ và có thu nhập nên thống nhất giúp bà khi cần và tiền Tết, tiền giỗ ba.
Năm 2015, sau 6 tháng đám cưới chúng tôi thu nhập tầm 35 triệu, để dành được 300 triệu, quyết định mua nhà hơn một tỉ đồng. Cần vay mượn nhiều nhưng chị anh từ chối dù chúng tôi hứa trả 50 triệu sau vài tháng, ba anh bảo không giúp được gì, vậy là xong. Thật sự, tôi nghĩ nếu gia đình anh xoay xở cho chúng tôi mượn, tôi sẽ cảm kích họ rất nhiều. Má tôi mượn thêm cậu và chú 300 triệu rồi tôi vay thêm 600 triệu mua nhà. Tính tôi tiết kiệm nên xoay trả nợ trong vòng 3 năm, trả theo dư nợ giảm dần nên cũng từ từ có dư từ năm 2017, cùng lúc con ra đời, thuê giúp việc, gửi con đi học... Tiền gửi cho ông bà chúng tôi vẫn thực hiện đều đều hàng tháng, khám bệnh hàng quý, mua bảo hiểm sức khỏe cho 2 bên cha mẹ. Riêng ông bà trúng đền bù đất đai tầm 100 triệu năm 2017 rồi xây nhà, vợ chồng tôi cũng phụ vào.
Năm 2018, dư tầm 700 triệu chúng tôi mua căn thứ 2 ở nội ô cho con tiện sau này đi học cấp một. Số tiền vay lần này tôi không một tiếng hỏi gia đình anh, vì tôi biết có hỏi cũng vậy. Má tôi cho thế chấp nhà má vay 1,2 tỷ, tôi vay thêm cậu mợ 400 triệu. Tất tần tật tôi nhờ vả ở đây đều là vay mượn, thời điểm này thu nhập 2 vợ chồng đã là 70 triệu/tháng, trong đó tôi thu nhập 38 triệu. Đầu năm, tôi còn phải bán thêm hàng hóa linh tinh dù công việc nhiều để có thêm thu nhập bù lãi. Má tôi bán sạp hàng cũng cho mượn tiền để trả vốn vay. Thậm chí bà dư ra 10 triệu cũng đòi cho tôi mượn trả ngân hàng. 2 tháng nay thu nhập chúng tôi tăng lên 95 triệu cũng là lúc tôi thấy chồng gửi tiền về cho gia đình mà không báo. Nếu nhìn nhận cả một quá trình dài phấn đấu, tôi không nghĩ mức chu cấp như vậy đối với ông bà là quá ít hay chúng tôi ky bo, tôi không đồng ý cho những khoản chi quá đáng, mua sắm, tiêu xài, nhậu nhẹt... Tôi là người kỹ tính nên nếu nhìn nhận theo cách người miền Tây thì có lẽ là keo kiệt. Thà keo kiệt còn hơn không có dư một đồng nào như chồng tôi lúc 2 vợ chồng cưới nhau. Hay lỡ chúng tôi có bất trắc trong cuộc đời, ai là người hỗ trợ chăm lo cho con cái và chúng tôi?
Khi bước chân vào nhà chồng, ba mẹ là người nuôi tôi ăn học, tới giờ phút này tôi còn chưa giúp được nhiều cho má, bà còn phải lên thành phố phụ chăm tôi từ đó đến lúc sinh vì chồng đi làm về trễ. Trong khi tôi với gia đình nhà chồng, quá khứ không có nhau, ông bà lại không hỗ trợ về vật chất từ khi tôi về làm dâu dù chỉ là cho vay mượn. Quan điểm của tôi có qua có lại, đôi khi qua một tôi sẽ lại 10, còn như cách ứng xử của ông bà, tôi cảm thấy việc đã hỗ trợ lại là phù hợp hoàn cảnh. Chưa kể ba và chị chồng biết chồng tôi gửi về 20 triệu không bàn với tôi, vẫn cười cười nhận tiền.
Tôi đã nói rõ với chồng cảm giác tổn thương của mình, tiền tôi không phải đòi lại, nhưng cách ứng xử tôi thấy không phù hợp ở vai vế những người lớn tuổi là ba và chị chồng, nếu ở một gia đình biết vun vén cho con, có lẽ mọi sự sẽ khác. Bạn tôi, chồng gửi tiền về thì ba mẹ chồng cũng gọi lên hỏi bạn tôi có biết không, chồng có bàn với bạn không. Các bạn sẽ cảm thấy cuộc sống tôi áp lực, nhưng tôi vẫn chu toàn mức sống của gia đình, đi du lịch hàng năm, ăn uống, con nhỏ đi học không thiếu thốn và trả nợ. Những gì chúng tôi làm hiện tại để cho bé có cuộc sống sau này tốt đẹp hơn chứ không cầu con nuôi lại mình. Bạn cũng đừng cảm thấy trong bài viết của tôi chỉ tiền là tiền, chúng ta đang nói về chủ đề tiền bạc, chi phí của gia đình, tôi không thể lê thê về cuộc sống muôn màu muôn vẻ chúng tôi đang trải qua. Cám ơn mọi người và xin kết chuyện của tôi ở đây.
Hiền
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.