Chiếc máy nhỏ hình thù kỳ lạ đặt trước cửa nhà của Thanh ở phường Hà Khẩu, TP Hạ Long đã chạy suốt 5 ngày, đều đặn phát ra âm thanh rì rầm như nước chảy. "Đó là máy mài do tôi chế tạo. Hôm nay, mẻ sỏi thủy tinh đã xong", Thanh tắt máy và đổ ra những viên thủy tinh nhẵn bóng như đá cuội, sáng lấp lánh.
Học xong THPT năm 2011, Thanh đi học nghề pha chế đồ uống để sớm đi làm, phụ giúp gia đình. Thường xuyên tiếp xúc những chai rượu đủ màu sắc, kích cỡ khiến chàng trai hình thành đam mê sưu tập, trưng bày vỏ chai thủy tinh trong nhà.
Hơn ba năm trước, Thanh tình cờ đọc bài báo về bãi biển thủy tinh lấp lánh sắc màu ở Mỹ nên nảy ra ý tưởng làm tranh thủy tinh. Bao nhiêu chai lọ sưu tập được, thanh đập vụn để làm chất liệu. Thậm chí, thanh niên 9X còn xách xô, búa đến bãi rác để nhặt thủy tinh phế thải mang về nhà.
Những mảnh thủy tinh sắc nhọn không ít lần làm Thanh bị thương, khiến anh nảy ý nghĩ làm "mềm" chúng. "Tôi quan sát nhiều bức ảnh bãi biển thủy tinh thì thấy các mảnh vỡ không hề sắc nhọn, có lẽ chúng được mài mòn nên mình cũng sẽ làm như vậy", anh nói.
Thanh lên mạng tìm hiểu các loại máy đánh bóng trang sức, đá quý để tìm ra nguyên lý rồi tự mua thiết bị về chế tạo. Không có chuyên môn cơ khí, Thanh làm hỏng 10 động cơ, tốn hàng chục triệu đồng nhưng không hề nản chí.
Thời điểm này, mẹ và vợ không phản đối ra mặt nhưng nghi ngại công việc Thanh theo đuổi. "Gia đình thấy tôi suốt ngày lọ mọ, tốn kém tiền bạc, thời gian mà chưa có kết quả nên không tin tưởng. Không ít lần tôi muốn bỏ cuộc, nhưng cứ nhìn thấy đống chai lọ lấp lánh thì lại quyết theo đuổi giấc mơ", Thanh nói.
Cuối cùng, Thanh chế tạo được máy mài hình trụ lục giác với hai lồng kín bằng mika dày một cm. Thủy tinh được cho vào trong lồng, quay liên tục từ 5 đến 10 ngày cùng cát để mài hết cạnh sắc nhọn.
Ban đầu, Thanh sử dụng cát xây dựng, cát biển hay mạt sắt để mài nhưng thủy tinh không hề mòn theo mong muốn. Anh lại lên mạng tìm hiểu tính chất hóa học và nhận ra phải dùng loại cát có độ cứng hơn thủy tinh là cát silic mới thành công. "Tôi liên hệ với các xưởng nước ngoài, nài nỉ họ bán lẻ cát silic cho mình. Mất rất nhiều công sức mới có thành quả", Thanh nói.
Có được chất liệu phù hợp, an toàn, việc làm tranh của anh dễ dàng hơn. Dù không có năng khiếu hội họa, Thanh sử dụng phần mềm xử lý ảnh và trí tưởng tượng phong phú để tạo phôi cho sản phẩm. Ngoài tranh phong cảnh, con vật, hoa lá ngộ nghĩnh, đơn giản, anh thường được đặt hàng làm tranh chân dung, người nổi tiếng. Đây đều là những tác phẩm độc bản theo phong cách, sở thích của người mua nên được giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi bức.
"Trước đây, do bận công việc pha chế đồ uống nên mỗi tháng tôi chỉ làm dưới 10 bức để bán. Hiện nay, tôi đã xin nghỉ làm để chuyên tâm vào công việc của mình", Thanh nói.
Những bức tranh thủy tinh độc đáo dần được nhiều người biết đến. Thanh được mời đến hướng dẫn học sinh trong các buổi dạy kỹ năng sống hay những nhóm bạn trẻ yêu thích đồ handmade. Công việc không chỉ mang lại thu nhập mà còn lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường, tận dụng sản phẩm tái chế.
Gần đây, nhiều nhóm thiện nguyện đã đề nghị Thanh cung cấp mảnh, hạt thủy tinh đã chế tác, tặng tranh để mang bán đấu giá, gây quỹ ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn. "Điều này khiến tôi thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn", Thanh tâm sự.
Anh dự định khi gom đủ vốn sẽ mở một quán cà phê nhỏ để làm nơi hướng dẫn, giới thiệu và bày bán những tác phẩm từ thủy tinh tái chế.
Lê Tân