Biến thể nCoV mới xuất hiện vào tháng 2/2020 ở châu Âu, lan nhanh tới bờ đông nước Mỹ và sau đó trở thành loại thống trị trên khắp thế giới từ giữa tháng 3. Ngoài lây lan nhanh hơn bản gốc, nó còn khiến người bệnh dễ tái nhiễm. Báo cáo dài 33 trang được nhóm nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos công bố hôm 30/4 trên tạp chí BioRxiv trước khi hội đồng chuyên gia thẩm duyệt.
Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học ở Đại học Duke và Đại học Sheffield tại Anh, nhóm nghiên cứu Los Alamos xác định 14 đột biến, xảy ra ở gần 30.000 cặp base ARN tạo nên hệ gene của nCoV. Họ tập trung vào đột biến mang tên D614G, chịu trách nhiệm thay đổi cấu trúc gai protein bao phủ bề mặt virus. "Khi virus mang đột biến này xâm nhập vào dân số, chúng nhanh chóng trở nên phổ biến ở địa phương và do đó dễ lây nhiễm hơn", trưởng nhóm nghiên cứu Bette Korber, nhà sinh học vi tính ở Los Alamos, chia sẻ.
Khi Korber và cộng sự kiểm tra hàng nghìn trình tự gene được đăng trên cơ sở dữ liệu của tổ chức Sáng kiến chia sẻ tất cả dữ liệu cúm toàn cầu (GISAID), họ tìm thấy D614G trong số những đột biến đang lưu hành tại châu Âu khác với bản gốc ở Vũ Hán. "Nếu có thứ gì ảnh hưởng tới khả năng lây nhiễm, tôi nghĩ nó sẽ nằm ở gai protein", William Hanage, nhà dịch tễ học chuyên nghiên cứu quá trình tiến hóa của bệnh truyền nhiễm ở Đại học Harvard, chia sẻ.
Tuy nhiên, giống như nhiều nhà nghiên cứu khác, Hanage không cho rằng đột biến mới thực sự tác động tới khả năng lây nhiễm sang người của virus. Dù virus mang đột biến trở thành loại phổ biến, đó có thể là do "hiệu ứng sáng lập", khi dân số già và dễ tổn thương không thể kiểm soát được nó.
Hanage nêu ví dụ bang Washington, nơi nCoV được phát hiện tương đối sớm và các biện pháp y tế công cộng mang lại hiệu quả giúp giảm số ca lây nhiễm. Cả bản gốc nCoV và biến thể mới đều tuần hoàn ở bang vào giữa tháng 3 nhưng hiện nay, số ca nhiễm hai biến thể dường như đang giảm ở cùng tốc độ.
Một chuyên gia đầu ngành khác là Stanley Perlman, nhà virus học ở Đại học Iowa, người tham gia đặt tên cho nCoV, hôm 5/5 cho biết virus đột biến để dễ lây nhiễm hơn nhưng nhìn chung không tăng thêm độc lực.
Nhóm nghiên cứu Los Alamos không tìm thấy bằng chứng bệnh nhân mang biến thể nCoV mới nhiều khả năng phải nhập viện hơn. Bệnh nhân nhiễm biến thể này có tải lượng virus cao hơn. Nhưng các nhà nghiên cứu ở Đại học Sheffield phát hiện tập mẫu gồm 447 bệnh nhân ở địa phương có tỷ lệ nhập viện như nhau đối với cả biến thể mới và bản gốc. Tính lây nhiễm tăng không phải luôn đi kèm độc lực mạnh hơn. Trái lại, một số chuyên gia dự đoán Covid-19 có thể trở thành bệnh nhẹ hơn theo thời gian khi virus tuần hoàn trong dân số.
Tuy nhiên, ngay cả khi biến thể mới không nguy hiểm hơn các loại khác, nó vẫn có thể gây khó khăn cho công tác kiểm soát đại dịch. Biến thể có thể khiến virus khác với những loại trước đây mà con người đã phát triển miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vaccine và khiến người khỏi bệnh dễ tái nhiễm.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để nhận dạng những đột biến quan trọng ở nCoV. Giống như mọi loại virus, nCoV bị lỗi khi sao chép vật liệu di truyền. Nhưng phần lớn đột biến hiếm khi ảnh hưởng đến hành vi của nó. Cộng đồng nghiên cứu cho rằng các biến thể nCoV hoạt động giống nhau ngay cả khi khác biệt về mặt di truyền. Việc nCoV đột biến không phải điều gây bất ngờ, bởi mọi loại virus đều đột biến khi sao chép.
Theo các chuyên gia virus học, virus này tương đối ổn định từ khi xuất hiện tới nay, nhưng phạm vi lây lan rộng mang lại cho nó cơ hội lớn để tiến hóa.
An Khang (Theo Los Angeles Times, Washington Post)