"Tôi không muốn Sophia bắt đầu năm học mà chưa tiêm chủng", Villarraga nói.
Tuy nhiên, cuối tháng 7, chỉ hai tuần trước sinh nhật, Sophia mắc Covid-19. Lúc đầu, cô bé bị sốt. Đến 25/7, sau 4 ngày tĩnh dưỡng ở nhà, cô bé bắt đầu đau nhức xương sườn. Hôm sau, Villarraga đưa con gái đến phòng cấp cứu. Kết quả X-quang lồng ngực cho thấy Sophia bị viêm phổi. Cô bé bắt đầu ho ra máu.
Sophia nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Nicklaus, ở Miami. Cha mẹ và bạn bè họ đều bị sốc. Bà Villarraga nói: "Tôi không nghĩ trẻ em có thể bệnh nặng đến vậy".
Song Sophia chỉ là một trong khoảng 130 trẻ mắc Covid-19 phải nhập viện ở Mỹ ngày hôm đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Con số tăng lên kể từ đầu tháng 7. Từ 31/7 đến 6/8, trung bình 216 trẻ em nhiễm nCoV nhập viện mỗi ngày, gần bằng con số 217 vào thời gian cao điểm dịch bệnh hồi tháng 1.
Tuần trước, chỉ trong 24 giờ, Bệnh viện Nhi Arkansas, thành phố Little Rock, tiếp nhận 19 trẻ mắc Covid-19. Bệnh viện nhi Johns Hopkins, thành phố St. Petersburg, báo cáo 15 ca. Số trẻ ở Bệnh viện Nhi Mercy thành phố Kansas là 12. Tất cả đều phải vào khu hồi sức tích cực (ICU).
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng cộng đồng cần thay đổi quan điểm "Covid-19 ít ảnh hưởng đến trẻ em". Đây vốn là tia sáng ít ỏi trong đại dịch giai đoạn trước. Một số bác sĩ tuyến đầu báo cáo nhiều trẻ em bị bệnh nặng hơn so với bất cứ thời điểm nào của dịch Covid-19. Họ cho rằng biến thể Delta là nguồn cơn.
"Mọi người đều lo lắng nguy cơ biến thể Delta nguy hiểm hơn đối với trẻ em theo cách nào đó", tiến sĩ Richard Malley, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhi tại Bệnh viện Nhi Boston, cho biết.
Hầu hết trẻ nhiễm nCoV có triệu chứng nhẹ. Hiện chưa đủ bằng chứng kết luận Delta gây bệnh nặng ở trẻ em so với những biến thể khác, theo các nhà khoa học. Song sự giao thoa của hai yếu tố, bao gồm đặc tính lây lan nhanh của Delta và nhóm dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm chủng, khiến nhiều trẻ em nhập viện hơn, đặc biệt tại các vùng dịch gia tăng.
"Nếu có quá nhiều ca nhiễm, ở thời điểm nào đó, virus tất nhiên sẽ truyền đến trẻ em", tiến sĩ Malley nhận định.
Ca nhiễm tăng nhanh
Nhiều bệnh viện nhi kỳ vọng trải qua mùa hè yên ả. Các loại virus thông thường ở trẻ nhỏ ít hoạt động vào những tháng tháng ấm áp. Đồng thời, tỷ lệ mắc Covid-19 toàn quốc đã giảm trong mùa xuân.
Nhưng tháng trước, khi Delta lan rộng, mọi thứ thay đổi. Marcy Doderer, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Bệnh viện Nhi Arkansas, cho biết: "Số xét nghiệm dương tính nCoV bắt đầu tăng vào tháng 7. Đây là lúc chúng tôi thực sự thấy trẻ em bị ốm".
Các loại vaccine hiệu quả với biến thể Delta, đủ mạnh mẽ chống triệu chứng nặng và tử vong. Tuy nhiên, trẻ dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm phòng. Vì vậy, khi ngày càng nhiều người lớn đã chủng ngừa, tỷ lệ ca nhiễm ở trẻ em trong tổng số ca bắt đầu tăng. Kể từ ngày 22/7 đến 29/7, chúng chiếm 19% trường hợp dương tính được báo cáo, theo Học viện Nhi khoa Mỹ.
"Các em chưa được tiêm chủng. Đây là nhóm tập trung các ca nhiễm mới", tiến sĩ Yvonne Maldonado, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Stanford Medicine, chủ tịch Uỷ ban A.A.P. về Các bệnh Truyền nhiễm, cho biết.
Tiến sĩ Wassam Rahman, giám đốc y tế Trung tâm Cấp cứu Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Johns Hopkins, nhận định hầu hết trẻ có triệu chứng nhẹ, chẳng hạn sổ mũi, nghẹt mũi, sốt hoặc ho.
"Phần lớn chúng không ốm nặng, sẽ xuất viện và được điều trị dự phòng tại nhà. Nhưng bạn biết đấy, các gia đình đang lo lắng", ông nói.
Số ít trẻ em tiến triển nặng, nhập viện trong trạng thái viêm phổi hoặc suy hô hấp. Trong số 15 em đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng New Orleans vào cuối tuần trước, 4 trẻ, trong đó có một bé ba tháng tuổi, phải vào ICU, bác sĩ Mark Kline cho biết. Tất cả chưa đủ điều kiện tiêm chủng.
"Biến thể Delta là cơn ác mộng tồi tệ nhất của các chuyên gia bệnh truyền nhiễm. Chưa dấu hiệu nào cho thấy nó bắt đầu ổn định", tiến sĩ Kline nói.
Một số trẻ nhập viện có bệnh mạn tính như tiểu đường, hen suyễn, khiến chúng dễ nhiễm nCoV hơn. Song bác sĩ cho biết nhiều bệnh nhi triệu chứng nghiêm trọng không thuộc nhóm nguy cơ cao.
Sophia từng tham gia đội điền kinh và chạy việt dã của trường. Em rất khỏe mạnh và năng động trước khi mắc Covid-19, bà Villarraga cho biết. "Mỗi phút trôi qua, con bé trở nặng hơn. Tôi đã có thể mất con", bà chia sẻ.
Sau khi nhập viện, Sophia được điều trị bằng thuốc kháng virus remdesivir, kháng sinh, steroid và thuốc chống đông máu.
"Kể từ đó, con bé tốt hơn từng chút, từng chút sau mỗi ngày", bà nói.
Sophia hồi phục hoàn toàn, giống hầu hết trẻ em nhiễm nCoV khác. (Một vài em hiếm hoi gặp phải triệu chứng kéo dài, gọi là hội chứng hậu Covid-19). Em xuất viện ngày 31/7, tổ chức sinh nhật tại nhà với một chiếc bánh kem.
Bí ẩn biến thể Delta
Bác sĩ không cho biết Sophia có nhiễm biến thể Delta hay không. Song hiện nay, hơn 80% ca dương tính tại Mỹ mang biến thể này, theo ước tính của CDC. Bác sĩ cũng cho rằng Delta là nguồn cơn cho làn sóng Covid-19 ở trẻ nhỏ.
Điều chưa sáng tỏ là liệu trẻ nhiễm Delta có triệu chứng nặng hơn so với các chủng nCoV khác, hay biến thể chỉ ảnh hưởng đến nhiều trẻ em hơn vì khả năng lây lan cao gấp đôi so với virus ban đầu.
Một số phân tích, chủ yếu là ở người lớn, cho thấy Delta gây triệu chứng nặng hơn. Nghiên cứu ở Canada, Scotland và Singapore chỉ ra rằng biến thể dẫn tới nhiều ca nhập viện, chuyển nặng hoặc tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết đây chỉ là kết quả sơ bộ. Chưa đủ dữ liệu chặt chẽ cho thấy Delta khiến trẻ chuyển biến nghiêm trọng.
Tiến sĩ Jim Versalovic, trưởng khoa bệnh học tại Bệnh viện Nhi đồng Texas, ở Houston, đồng tình với quan điểm này. "Chúng tôi ghi nhận các trường hợp nghiêm trọng, nhưng cũng chứng kiến nó trong suốt đại dịch", ông nói.
Song giới chuyên gia không loại trừ khả năng Delta gây triệu chứng nặng đối với trẻ nhỏ. Tỷ lệ nhập viện, thường trễ do báo cáo, có thể tăng trong vài tuần, vài tháng tới. Hội chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng - viêm đa hệ sau mắc Covid-19 ở trẻ - nhiều tuần mới biểu hiện.
Tại Anh, nơi Delta lây lan trước Mỹ, các nhà khoa học chưa thấy bằng chứng biến thể khiến trẻ em chuyển nặng hơn. Tiến sĩ Elizabeth Whittaker, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, cho biết: "Có một làn sóng lây nhiễm ở trẻ em. Nhưng nó không quá khác biệt và đáng ngại".
Dịch bệnh kép
Dù có gây triệu chứng nghiêm trọng hơn hay không, biến thể Delta vẫn khiến số ca nhiễm cộng đồng tăng nói chung, đặc biệt tại khu vực có mức bao phủ vaccine thấp. Tiến sĩ Maldonado cho biết: "Tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ tăng lên do số người chưa tiêm chủng trong gia đình tăng lên". Điều này khiến nhiều em nhập viện hơn.
Bên cạnh đó, các bệnh viện báo cáo số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) tăng bất thường. Đây là căn bệnh dễ lây lan, thường xảy ra vào mùa thu đông. Các ca RSV mùa đông năm ngoái khá thấp, có thể do tình trạng phong tỏa. Song số trường hợp tăng lên gần đây do giới chức gỡ bỏ hạn chế, trẻ em bắt đầu tham gia hoạt động xã hội.
Cuối tuần trước, Bệnh viện Nhi Mercy báo cáo lượng bệnh nhân RSV nhiều gấp ba lần so với Covid-19. Bệnh viện Nhi Texas ghi nhận gần 1.500 xét nghiệm RSV dương tính trong 90 ngày.
"Điều này tạo nên đợt bùng phát kép. Bởi cả hai loại virus đều lưu hành rộng rãi, chúng tôi chứng kiến tác động lớn hơn rất nhiều", tiến sĩ Versalovic nói.
Cả RSV và Covid-19 đẩy Bệnh viện Nhi đồng New Orleans đến cực hạn. "Tất cả ICU đều không còn giường trống trong 6 tuần", tiến sĩ Kline nói.
Hiện chưa rõ đến khi nào người dưới 12 tuổi tại Mỹ đủ điều kiện tiêm chủng. Các chuyên gia cho biết cách tốt nhất để giảm thiểu nguy hiểm cho trẻ em và giải tỏa sức ép với bệnh viện là để nhóm lớn tuổi hơn tiêm vaccine. Điều này sẽ làm hạn chế sự lây lan của biến thể Delta.
Thục Linh (Theo NY Times)