Nghiên cứu do nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học Y tế tại Đại học Tokyo thực hiện, dẫn đầu là phó giáo sư Sato Kei. Báo cáo phát hành hôm 2/8.
Thông thường, nCoV làm tổn hại cơ thể bằng cách phân hủy tế bào. Sau đó, virus kết hợp với nhau thành một khối gọi là "hợp bào". Lượng hợp bào càng lớn thì khả năng gây bệnh càng cao.
Biến thể Delta mang đột biến đặc trưng là P681R, giúp phân biệt nó với các biến thể khác. Các nhà khoa học đã tìm cách tái tạo và phân tích đột biến này. Họ chỉ ra rằng hợp bào hình thành do Delta lớn hơn 2,7 lần so với virus ban đầu.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện những con chuột lang nhiễm nCoV mang đột biến P681R giảm cân đáng kể, nhiều hơn từ 4,7 đến 6,9% so với chuột nhiễm virus nguyên bản.
Phó giáo sư Sato cho biết nhóm sẽ tiếp tục khám phá các đặc tính của biến thể mới.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng cảnh báo biến thể Delta gây bệnh nặng hơn và dễ lan như thủy đậu. Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC, xác nhận người tiêm đủ hai liều vaccine vẫn có thể lây truyền biến thể Delta với tốc độ tương tự người chưa tiêm.
Trung bình, mỗi bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến thể Delta sẽ lây cho 8 hoặc 9 người khác. Chủng nCoV gốc có khả năng lây lan thấp hơn, tương tự bệnh cúm thông thường, mỗi người nhiễm lây cho khoảng 1,5 đến 3,5 người.
Nghiên cứu của Canada, Singapore và Scotland cho thấy người nhiễm biến thể Delta có nguy cơ nhập viện cao hơn. Họ có triệu chứng khởi phát sớm, virus lan đến nhiều khu vực trong cơ thể và số trường hợp bệnh nặng cũng gia tăng.
Thục Linh (Theo NHK, Reuters)