Cuộc khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng do Đại học Michigan tiến hành cho biết, chỉ số tâm lý tiêu dùng đã giảm 13,5% vào tháng 8 so với tháng 7, chạm mức 70,2. Đây là tỷ lệ giảm cao nhất kể từ tháng 12/2011.
Sự sụt giảm nghiêm trọng đến nỗi Đại học Michigan chỉ ghi nhận sáu lần giảm hàng tháng lớn hơn trong lịch sử gần 50 năm của chỉ số này, bao gồm mức giảm hơn 19% vào tháng 4/2020 khi đại dịch bắt đầu lan rộng và mức giảm 18% vào tháng 10/2008 trong thời kỳ đỉnh cao của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
"Người tiêu dùng đã lý luận chính xác rằng hoạt động của nền kinh tế sẽ giảm trong vài tháng tới. Nhưng sự gia tăng bất thường trong các đánh giá tiêu cực cũng phản ánh một phản ứng cảm tính, chủ yếu là từ sự hụt hẫng khi từng hy vọng rằng đại dịch sẽ sớm kết thúc", Richard Curtin, Nhà kinh tế trưởng của cuộc khảo sát, cho biết.
Tuy nhiên, cổ phiếu chỉ đi ngang vào phiên thứ Sáu (13/8), bất chấp sự tâm lý tiêu dùng lao dốc. Thị trường chứng khoán vẫn ở gần mức cao nhất mọi thời đại nhờ lợi nhuận mạnh mẽ. Các chuyên gia cho rằng, có một chút mất kết nối giữa dữ liệu kinh tế hiện tại và triển vọng Phố Wall, vốn có màu sắc tươi sáng hơn nhiều so với nỗi sợ dữ dội về tương lai của người tiêu dùng.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, gần một triệu việc làm đã được bổ sung trong tháng Bảy, mức tăng hàng tháng lớn nhất trong gần một năm. Và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong thời kỳ đại dịch là 5,4%. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm thì lại giảm từ khoảng 1,37% xuống 1,3% vào 13/8, do các nhà đầu tư tăng mua, nhằm tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn hơn.
Thomas Simons, Nhà kinh tế thị trường tiền tệ của Jefferies đánh giá cơn lao dốc của tâm lý tiêu dùng trong tháng 8 là một "phản ứng giật gân" trước những thông tin tiêu cực xoay quanh biến thể Delta. Nhưng ông hiểu tại sao lại có không khí ảm đạm như vậy. "Người tiêu dùng cảm giác rằng họ bị tước mất điểm tựa", ông nói.
Lời hứa về vaccine và sự trở lại ít nhất là giống như "bình thường" trước khi có Covid-19 nay chuyển thành các lo ngại về bệnh tật, khẩu trang, giãn cách xã hội, làm việc tại nhà và những mũi tiêm tăng cường. Ông Thomas Simons nói người tiêu dùng chỉ đơn giản là "thấy buồn".
Tuy nhiên, tâm lý tiêu dùng có thể thay đổi đáng kể. Cảm xúc có thể thay đổi theo xu hướng. "Những gì bạn cảm thấy khác với những gì bạn thực sự làm và lưu ý rằng niềm tin của người tiêu dùng nổi tiếng là có nhiều dao động như quả lắc", Randy Fredrick, Giám đốc điều hành bộ phận giao dịch và phái sinh tại Charles Schwab, cho biết.
Và niềm tin của người tiêu dùng không phải là chỉ báo tương lai đáng tin cậy nhất về những gì tiếp theo đối với nền kinh tế. Tâm lý có xu hướng diễn biến theo các tin tức và trạng thái của thị trường chứng khoán.
Người tiêu dùng Mỹ nổi tiếng là từng quá lạc quan ngay trước khi kinh tế hoặc thị trường chứng khoán suy thoái. Đó là trường hợp vào tháng 1/2000, niềm tin của người tiêu dùng đạt mức cao kỷ lục trước khi cổ phiếu công nghệ lao dốc. Tình cảnh cũng tương tự vào năm 2007, trước khi thị trường nhà đất sụp đổ. Vì vậy, có lý do để cho rằng người tiêu dùng có thể lo lắng quá mức về viễn cảnh sắp tới.
Phiên An (theo CNN)