-
Truyện vừa - hay cũng có thể được coi là một đoản thiên tiểu thuyết xót xa buồn về cảnh vật và những con người Trung Hoa xưa cũ của nhà văn nổi tiếng Thẩm Tùng Văn.
Tên sách: Biên thành
Tác giả: Thẩm Tùng Văn
Dịch giả: Phạm Tú Châu
NXB Đà Nẵng và Công ty Truyền thông & Văn hóa Nhã Nam
Câu chuyện diễn ra tại một bến đò lặng lẽ vùng biên thành miền Tây Hồ Nam - nơi cô bé Thúy Thúy sống với người ông quản đò sau cái chết của mẹ. Mặc dù chỉ mới 14 tuổi nhưng Thúy Thúy đã trở thành một thiếu nữ phổng phao, xinh đẹp, được nhiều chàng trai để ý, trong đó có hai anh em nhà ông chủ bến: cậu cả Thiên Bảo và cậu hai Na Tống. Trước tấm chân tình của hai anh em đối với cô cháu gái, ông ngoại cô bé cảm thấy vô cùng sung sướng nhưng cũng không giấu nổi những lo lắng cho tương lai. Đặc biệt là khi cô bé vẫn thờ ơ với chuyện cưới xin. Sự thực thì trái tim cô bé đã rung động trước tấm lòng và tiếng hát của cậu hai Na Tống nhưng Na Tống đang bị gia đình ép lấy một cô gái con nhà gia thế...
Cuộc sống vẫn trôi đi trong cuộc chạy đua thầm lặng giành tình yêu của một cô gái giữa hai anh em nhà con nhà chủ bến. Nhưng một tấm thảm kịch đã xảy ra, cậu cả Thiên Bảo chết đuối trong một chuyến đi thuyền. Na Tống và Thúy Thúy yêu nhau nhưng không được ông quản bến đồng ý vì cô bé bị coi là vận đen liên quan đến cái chết của Thiên Bảo. Trước tình cảnh đó, ông ngoại Thúy Thúy quá đau buồn và qua đời trong một đêm mưa gió, Na Tống bỏ nhà đi xa. Chỉ còn lại Thúy Thúy trên bến đò xưa cũ, chờ đợi một chàng trai có thể mãi mãi không trở về mà cũng có thể ngày mai sẽ trở về.
Thẩm Tùng Văn được coi là "tiểu thuyết gia trữ tình lớn nhất của Trung Quốc hiện đại". Biên thành như là một bài thơ mang giọng điệu hoài cổ với âm hưởng buồn man mác. Những cảnh vật đồng nội, những con người nhỏ bé trong tác phẩm của ông như những hình ảnh nhạt nhòa trôi dần đi và cuối cùng mất hút trong dòng chảy thời gian và nhịp điệu gấp gáp của cuộc sống hiện đại. Biên thành khiến người đọc ngậm ngùi bởi tác phẩm "tràn trề cái thiện nhưng đều không gặp may. Vì không gặp may nên cái thiện chất phác ấy cuối cùng khó tránh khỏi bi kịch" (Thẩm Tùng Văn). Dưới văn phong của ông, ngôn ngữ Trung Hoa đã tìm được vẻ đẹp của mình và vẻ đẹp ấy cũng đã được chuyển ngữ thành công bằng thứ tiếng Việt giản dị, trong sáng và khúc chiết của dịch giả Phạm Tú Châu.
Nhà phê bình Matthew W.Baker nhận xét về tác phẩm của Thẩm Tùng Văn như sau: "Bị khuất đi bởi những đồng nghiệp nổi tiếng, có lối viết thiên về chính trị như Lỗ Tấn, Lão Xá... tác phẩm của Thẩm Tùng Văn đan dệt phức tạp, giàu có tầng lớp và trữ tình... Trong khi Lỗ Tấn là nhà kỹ sư của siêu ý thức xã hội thì Thẩm giống như một nhà nhân loại học và trong ý nghĩa này, dường như ông gần với độc giả hiện đại hơn. Trong khi những người khác hướng đến một xã hội Trung Hoa của tự phê bình, của các thay đổi, thì Thẩm, một cách đẹp đẽ và giản dị, chỉ cho ta cuộc sống vốn dĩ vẫn hiện hữu như thế đó. Tác phẩm của ông là sự hòa quyện giữa nỗi buồn sâu xa cho quá khứ, hy vọng cho tương lai, và hơn tất cả, là vẻ đẹp và sự trong sáng của cõi sống hiện tại".
Hà Linh