Bánh canh là món ăn phổ biến trong ẩm thực của người Việt, bên cạnh phở, bún bò...
Bánh canh tôm nước dừa
Món này là đặc sản của miền Tây Nam bộ, được nấu từ hai thành phần chính là tôm và nước cốt dừa.
Vị ngọt của tôm, nước cốt dừa mang đến hương vị rất lạ miệng khi thưởng thức. Ảnh: Khánh Hòa. |
Tôm tươi lột vỏ, bỏ chỉ đen và dùng dao đập dẹp. Bắt chảo dầu nóng, cho tôm vào cùng một ít gia vị, đảo đều đến khi tôm vừa chín. Khi chế biến món ăn này, người bán cho sợi bánh làm từ bột gạo vào đun sôi, cho tôm, nước cốt dừa vào và nêm gia vị vừa ăn.
Bát bánh canh đầy màu sắc với màu trắng của sợi bánh, màu trắng đục hơi sệt của nước dùng, màu hồng của tôm điểm xuyết sắc xanh của hành lá trông thật bắt mắt và hấp dẫn. Cái hay của món ăn là mặc dù được nấu chung với nước cốt dừa, có vị béo nhưng lại không gây cảm giác ngấy.
Bánh canh cua
Trong các loại bánh canh hải sản, bánh canh cua là món ăn phổ biến và được nhiều người ưa thích. Ai đã thưởng thức món ăn này sẽ không thể quên được hương vị thơm ngon, đậm đà của nước dùng.
Sợi bánh to, dai mềm hòa quyện với chả cua, tôm, nấm rơm cùng nước dùng sền sệt đặc trưng mùi vị của bánh canh cua. Bên cạnh đó là thịt cua đỏ, thơm ngọt.
Một số địa chỉ cho bạn tham khảo, quán bánh canh cua đường Trần Khắc Chân (quận 1), đường Võ Văn Tần (quận 3), đường Vĩnh Viễn (quận 10)...
Bánh canh ghẹ
Bánh canh ghẹ là biến thể từ bánh canh cua. Món ăn với ghẹ, chả tôm, tiết lợn, nấm cùng với nước lèo được nấu sánh và rất đậm đà. Ghẹ tươi luộc chín sẵn, khi có khách ăn, người bán sẽ cắt đôi con ghẹ và cho vào bát, thêm một lát chả tôm, miếng tiết lợn, nấm rơm cùng với bánh canh.
Những con ghẹ tươi ngon làm nên sự hấp dẫn cho món ăn. Ảnh: Khánh Hòa. |
Bát bánh canh thơm ngon khi được chan với nước dùng nấu từ gạch của ghẹ, rất sánh, thơm và có vị ngọt thanh. Gia vị ăn kèm không thể thiếu món muối tiêu chanh. Cắn miếng càng ghẹ, chấm ít muối tiêu chanh để cảm nhận thịt ghẹ vừa ngọt vừa thơm trong miệng.
So với các loại bánh canh khác thì bánh canh ghẹ có giá khá cao, vào khoảng 50.000 đồng một bát. Tuy vậy các quán bánh canh ghẹ ở Sài Gòn ít khi nào vắng khách. Nếu muốn thưởng thức món ăn này, bạn có thể ghé đến quán ở Cầu Bông (quận Bình Thạnh) hay đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình).
Bánh canh cá lóc
Món ăn của người miền Trung với nguyên liệu chính là sợi bánh canh làm từ bột gạo và cá lóc. Gạo ngâm đủ độ mới xay rồi cho vào cối giã thật nhuyễn, đến khi bột quyện chặt vào nhau, dai mà không dính tay mới là đạt. Sau đó, dàn bột vừa giã ra, cán mỏng, cắt thành từng sợi nhỏ và đem luộc cho vừa chín tới là được.
Bánh canh cá lóc là món rất quen thuộc của người miền Trung. Ảnh: Khánh Hòa. |
Sợi bánh canh của món ăn này rất đặc biệt, không tròn như bánh canh miền Nam nhưng dai hơn. Cá lóc được làm sạch, luộc chín. Miếng cá được lóc hết xương, rim lên vàng ươm. Nước dùng ngoài vị ngọt của cá còn có vị thơm của xương ống, tuy nhiên lượng xương ống thường rất ít để tránh mất mùi vị của cá. Không phải ngẫu nhiên mà cá lóc trở thành nguyên liệu chính của món ăn giản dị nhưng đậm đà hương vị miền Trung. Thịt cá lóc có tính hàn, ăn vào có tác dụng mát gan, thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe của người dân ở vùng đất quanh năm khô hạn và đầy nắng gió này.
Bánh canh cá lóc phải ăn khi còn nghi ngút khói mới đã. Khi ăn có thể cho thêm loại ớt bột thật cay của người miền Trung, một ít tiêu và nước mắm tùy theo khẩu vị của mỗi người. Bạn có thể thưởng thức món ăn này ở các quán trên đường Nguyên Hồng (quận Gò Vấp), đường Bắc Ái (quận Thủ Đức)...
Khánh Hòa