Từ hôm đó (18/2/2008) đến nay, nó vẫn đứng đầu kỷ lục chiếc biển số xe đắt nhất thế giới, có giá trị cao gấp 10 lần chiếc siêu xe mà nó được gắn vào, Pagani Zonda F Roadster, một trong những chiếc xe đắt nhất thế giới.
Ở UAE, việc các xe Porsche, Ferrari, Lamborghini, Aston Martin diễu hành ngoài đường là chuyện bình thường nên "đẳng cấp" dã không còn nằm ở giá trị xe, mà chính là biển số.
UAE gồm 7 tiểu vương quốc, và biển số xe của cư dân thuộc tiểu vương quốc nào sẽ do Cơ quan Giao thông và Đường bộ (RTA) của tiểu vương quốc đó thiết kế và quyết định. Giá một chiếc biển số ngẫu nhiên do RTA phát hành chỉ 35-50 AED (9-14 USD), tuỳ kích thước biển xe và tuỳ địa phương.
Điểm chung của biển số 7 tiểu vương quốc, là đều gồm một chữ cái và không quá 5 chữ số, in màu đen trên nền biển màu trắng. Biển số càng ít chữ số, nó càng đắt.
Ví dụ, ở Dubai, RTA sẽ tung ra các tấm riêng biệt được bán trực tiếp hoặc đấu giá. Cư dân Dubai hoặc cư dân thuộc tiểu vương quốc khác đều có thể tham gia đấu giá, diễn ra trên hai hình thức: Đấu giá Hội trường và đấu giá trực tuyến. Phí đăng ký đấu giá lần lượt 2.000 AED (555 USD) và 5.000 AED (1.360 USD). Nếu thắng đấu giá mà không thanh toán đủ tiền trong thời gian quy định, cư dân sẽ bị tịch thu biển và cấm tham gia tất cả cuộc đấu giá biển số đến cuối đời.
Ngoài ra, để duy trì quyền sở hữu biển số, chủ sở hữu sẽ phải nộp phí gia hạn, định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm, mức 20-80 AED.
Các cuộc đấu giá này diễn ra hàng tháng, do công ty đấu giá thay mặt cho Sở Cảnh sát tổ chức. Tất cả số tiền thu về sẽ được dùng làm từ thiện, ví dụ quyên góp giúp đỡ nạn nhân của các vụ tai nạn đường bộ.
Tại Mỹ, biển số xe cũng được cấp bởi Sở Giao thông của chính quyền tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ. Chính phủ Mỹ chỉ cấp biển số cho đội xe của chính mình và cho phương tiện thuộc sở hữu của các nhà ngoại giao nước ngoài.
Ngoài biển số do Sở Giao thông ấn định ngẫu nhiên trong "kho biển", tất cả 50 bang của Mỹ cho phép chủ xe được chọn biển "cá nhân hóa" theo sở thích, và có tính phí. Quy tắc duy nhất là thông điệp trên biển số này không kích động thù địch, khiêu dâm hoặc bạo lực. Chủ xe còn có thể thêm biểu tượng trái tim, ngôi sao, ảnh chân dung của mình...
Một biển số cá nhân hóa có thể chứa tối đa 7 chữ cái, chữ số, hoặc cả hai, không được có ký tự đặc biệt (ví dụ @, #,%...). Chủ sở hữu các biển cá nhân hoá sẽ phải đóng 3 loại phí: phí đăng ký biển số xe thông thường, (3-100 USD), phí đăng ký ban đầu (35-60 USD) và phí duy trì, dao động 19-31 USD mỗi năm, tuỳ loại xe và biểu giá từng bang. Nếu không nộp phí duy trì hai năm liên tiếp, biển số xe sẽ tự động mất hiệu lực.
Có 4 hình thức để đăng ký một biển số cá nhân hoá: đăng ký trực truyến tại website của Sở Giao thông bang đó, gửi hồ sơ giấy qua đường bưu điện, đăng ký qua cuộc gọi điện thoại đến văn phòng Sở Giao thông, hoặc đến trực tiếp. Đơn đăng ký được xử lý trong 10 ngày và chủ xe sẽ có biển số theo yêu cầu sau tối đa 6 tuần.
Nhiều quốc gia cho phép người dân trả tiền để "đặt chỗ" trước một biển xe yêu thích, dù chưa có phương tiện. Nhưng ở Mỹ, người dân buộc phải có phương tiện mới được mua biển số. Ngoài ra, người dân đang dùng biển số ngẫu nhiên cũng có thể làm đơn và trả phí để chuyển sang biển số cá nhân hoá, và ngược lại.
Một số bang nước Mỹ cho phép chủ phương tiện tự thiết kế mẫu biển số, dù các con số trên đó vẫn được Sở Giao thông lựa chọn. Ví dụ, các trường đại học, hiệp hội bảo vệ động vật, bảo vệ quyền trẻ em, hội yêu du thuyền... hoặc bất cứ cá nhân tổ chức nào cũng có thể làm biển số riêng cho hội nhóm mình, với logo và khẩu hiệu đặc trưng. Người sở hữu loại biển này sẽ phải nộp phí bổ sung cho Sở Giao thông khi nhận.
Một phần tiền thu được từ việc này sẽ được chính quyền bang dùng làm tiền quyên góp cho một trường học hoặc tổ chức phi lợi nhuận, từ thiện liên quan.
Kỷ lục về các biển số xe đắt nhất của Mỹ, Low digit plates, là loại chỉ có 1-3 chữ số, phổ biến ở các bang Rhode Island, Massachusetts, Illinois, Delaware. Người dân ở đây coi biển số xe ít ký tự như một biểu tượng của địa vị, xuất phát từ những nguyên nhân lịch sử.
Năm 1903, khi Massachusetts cấp phép biển số xe đầu tiên, bắt đầu bằng số 1, nó thuộc về Thống đốc bang, số 2 dành cho cấp phó của ông, và lần lượt... Ngày nay, vẫn có người Mỹ bỏ cả nửa triệu USD vì biển số xe "ít ký tự".
Sở Giao thông Delaware đã bán biển số "14" với giá tới 325.000 USD năm 2014, biển số "6" mang về 675.000 USD trong cuộc đấu giá năm 2008 và cuộc đấu giá năm 2018, biển số "20" thu được 410.000 USD.
Các phiên đấu giá này được diễn ra duy nhất mỗi năm, người tham dự phải đăng ký trước ít nhất một tháng và có thể tham dự theo 4 hình thức: qua điện thoại, qua website, đấu thầu vắng mặt và qua tin nhắn sms. Nhưng người bỏ giá thầu trực tiếp luôn được ưu tiên hơn giá thầu từ xa.
Australia cũng phân quyền cho chính quyền các tiểu bang quản lý việc cấp - đấu giá biển số của cư dân. Điều khác biệt lớn nhất so với Dubai và Mỹ, là cư dân một số bang của Australia thậm chí được "giữ chỗ" biển số theo sở thích, ngay cả khi người đó chưa có xe.
Để làm điều này, trước tiên, cư dân sẽ truy cập vào website của cơ quan quản lý giao thông đường bộ, lựa chọn loại phương tiện (xe đạp, mô tô, xe con, xe khách, xe tải...) và tìm thử biển số mình mong muốn trong kho biển số địa phương. Nếu đã được đăng ký, hoặc được người khác "giữ chỗ", website sẽ tự động đưa ra các gợi ý đang sẵn. Biển số sẽ gồm 6 ký tự, trong đó ít nhất có hai ký tự là chữ cái, còn lại là số.
Sau khi đã lựa chọn được các ký tự cho biển số, cư dân có các lựa chọn về kích cỡ, màu sắc biển, các hình trang trí... Ví dụ ở New South Wales, phí chọn biển cơ bản cho tất cả loại phương tiện là 111 AUD, trong khi đó, các tuỳ chọn trang trí có thể lên tới 500 AUD. Khi đã ưng ý, cư dân có thể lựa chọn giữ biển số này dưới dạng biển số ảo, hoặc có thể yêu cầu in ngay.
Thời gian "giữ chỗ" tối đa là 365 ngày, với mức phí 180-500 AUD. Hết 365 ngày, cư dân sẽ phải đóng phí gia hạn nếu muốn tiếp tục giữ biển số này đến khi có xe. Mức gia hạn từ 60 đến 500 AUD mỗi năm tuỳ loại phương tiện và tuỳ biển số là ảo hay đã được in ra.
Singapore cho phép người dân chọn biển số dù chưa có xe hay đã có xe, cho phép đổi biển xe khác nếu không ưng ý. Việc đấu giá biển số xe theo sở thích nhu cầu cá nhân cũng phổ biến ở nhiều nước châu Á, như Singapore, Malaysia...; phân cấp việc cấp biển số xe cho về cơ quan quản lý giao thông cấp tỉnh.
Tại Nhật Bản, việc chọn số theo nhu cầu bắt đầu từ năm 1998, cho phép mọi người chọn số yêu thích. Nếu có nhiều người đăng ký cùng một biển số xe tại một khu vực nhất định, nhà chức trách sẽ chọn người chiến thắng bằng hình thức xổ số điện toán và trả phí cao hơn.
Tài xế có nhu cầu di chuyển nhiều về ban đêm sẽ sử dụng biển phản quang với mức phí cao hơn biển thường, có khi là gấp đôi.
Năm 2018, Nhật Bản cho phép các biển số xe có hình trang trí, được Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch thiết kế, gồm 41 mẫu có hình cảnh sắc, truyền thống từng địa phương. Để có được một biển số có trang trí, cư dân chỉ cần ủng hộ ít nhất 1.000 yen (8 USD), số tiền thu được sẽ dành cho việc quảng bá du lịch và cải thiện giao thông quốc gia.
Lợi nhuận từ việc đấu giá biển số xe theo yêu cầu, đa số ở các nước, được sử dụng vào mục đích từ thiện, tái thiết cơ sở hạ tầng giao thông. Trong khi đó, chính những cư dân bỏ tiền ra mua biển cá nhân hoá, cũng có đánh giá tích cực.
Một số hài lòng vì được thể hiện bản sắc cá nhân, trong khi nhiều người thực sự coi đây là một cuộc đầu tư nghiêm túc, vì chiếc xe có thể mất giá theo thời gian, nhưng ngược lại, biển số "đẹp" lại gia tăng giá trị.
Tại Việt Nam, kế hoạch cấp biển số xe tự chọn được khởi động từ năm 1993 song đến nay chưa thể triển khai chính thức. Giữa tháng 4, Bộ Công an lần nữa ra dự thảo về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá. Theo đó, khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu. Khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ xe không phải nộp lại biển số này.
Hải Thư (Theo Japnan Today, US Today, MyPlates, Dubicars, ABC)