Cục Cảnh sát giao thông đang đề xuất đấu giá biển số đẹp để thu ngân sách cho nhà nước, đồng thời minh bạch với loại biển số mà rất nhiều chủ xe ao ước. Nhưng xung quanh lại phát sinh nhiều câu hỏi, đáng chú ý nhất là "chủ xe mua biển đấu giá, có được quyền chuyển nhượng lại biển số đó hay không?". Cơ quan chức năng nói không. Tôi đồng ý với quy định này, nhưng nhiều người phản đối, có lẽ do chưa rõ ràng về cách thức sử dụng một biển số xe đẹp.
Tôi xin lấy ví dụ ở các nước tiên tiến như Mỹ, Trung Đông, châu Âu để mọi người hiểu. Ở những nước này, biển số đẹp cũng được đấu giá. Khi ai đó sở hữu biển số, họ đăng ký trên một chiếc xe cụ thể, sau đó nếu đổi xe, họ sẽ được gắn biển số đó lên xe mới. Với cách này, chỉ cần nhìn biển số cũng biết đó là xe của ai, không cần biết chiếc xe nào đang gắn biển số đó.
Nếu đến khi bạn chán biển số mình đã đấu giá, có thể làm thủ tục trả lại biển cho cơ quan quản lý, và nhận lại số tiền lệ phí đã đóng để mua biển (không phải tiền bỏ ra đấu giá). Người khác thích biển số đó có thể mua lại, nhưng là từ cơ quan quản lý, không phải trao đổi ngang hàng giữa người dân với nhau.
Luật lệ chặt chẽ như vậy sẽ tránh được tình trạng đầu cơ biển số. Một người có thế lực đứng ra mua nhiều biển số đẹp, sau đó bán lại cho những người có nhu cầu để kiếm lời, lúc đó rất khó kiểm soát, lại xảy ra tình trạng giống như "sim số đẹp". Quan trọng hơn nữa, nếu biển số được tự do chuyển nhượng, khi ấy nếu xe gây tai nạn, nhà chức trách sẽ không thể biết xe đó thuộc sở hữu của ai để truy cứu trách nhiệm.
Tóm lại, nên xác định rõ, bạn bỏ tiền ra đấu giá biển số đẹp có nghĩa bạn bỏ tiền để có được quyền sử dụng biển số đó trên những xe của mình, chứ không có nghĩa bạn được quyền định đoạt nó. Người Việt nên hiểu rõ vấn đề này để không tranh cãi vô ích.
Độc giả Nguyên Khoa