Thông tin được nêu trong Nghị định 156/2024 quy định về đấu giá biển số xe có hiệu lực từ 1/1/2025. Đây là nghị định quy định chi tiết điều 37 và 38 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 về đấu giá biển số xe.
Biển đưa ra đấu giá là biển số ôtô, xe máy, xe gắn máy được công khai để tổ chức, cá nhân lựa chọn đăng ký tham gia đấu giá. Biển không đưa ra đấu giá sẽ được chuyển vào hệ thống quản lý xe để đăng ký theo quy định.
Đây sẽ là lần đầu tiên biển số xe máy được đưa ra đấu giá, trong khi biển số ôtô được thực hiện hơn một năm nay. Xe máy hiện cũng là phương tiện lưu thông chính của người dân Việt Nam với hơn 65 triệu xe. Bởi vậy Bộ Công an kỳ vọng rằng khi đấu giá biển số xe máy sẽ tăng thu ngân sách và đáp ứng hết nguyện vọng của người dân sử dụng biển số đẹp.
Khi tham gia đấu giá biển số xe máy, tiền đặt trước sẽ bằng giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản mở tại ngân hàng, kể từ ngày niêm yết đến trước ngày mở cuộc đấu giá hai ngày. Bước giá (mỗi lần trả giá chênh lệch) với biển số xe máy là 500.000 đồng.
Với biển số ôtô, nghị định giữ nguyên mức giá khởi điểm như hiện hành đó là 40 triệu đồng, bước giá 5 triệu đồng. Tuy nhiên, tính từ 1/1/2025, mỗi năm sẽ tăng mức giá khởi điểm một lần, mỗi lần tăng 5 triệu đồng.
Tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá là 100.000 đồng với một biển ôtô và 50.000 đồng với một biển xe máy.
Biển ôtô ngũ quý đưa ra đấu giá lại sau lần hai có giá khởi điểm 500 triệu đồng
Điều 6 nghị định nêu, giá khởi điểm của biển số xe ôtô có định dạng AAAAA (A>4), ABCDE (A4) đưa ra đấu giá lại sau lần thứ hai là 500 triệu đồng; với xe máy là 50 triệu đồng.
Người trúng biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền sẽ bị cấm tham gia đấu giá 12 tháng. Đây là điểm của luật mới so với nghị quyết của Quốc hội giữa năm 2023, đang được áp dụng. Theo nghị quyết này, người trúng đấu giá bỏ kết quả đợt trước vẫn được đăng ký đấu giá đợt sau.
Theo nghị định, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có văn bản thông báo kết quả, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ số tiền trúng đấu giá sau khi trừ đi tiền đặt trước. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký xe. Đây là quy định mới khi hiện hành người trúng đấu giá chỉ có thời hạn 15 ngày để nộp tiền.
Chính phủ giao Bộ Công an mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thu tiền trúng đấu giá. Trong đó, trước khi nộp vào ngân sách nhà nước sẽ được chi các khoản phục vụ hoạt động đấu giá. Cụ thể là chi phí tổ chức đấu giá, quảng cáo, quản trị hệ thống quản lý đấu giá biển số. Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi trừ các khoản chi phục vụ hoạt động đấu giá sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương.
Sau 5 phiên đấu giá trong hơn một năm theo nghị quyết thí điểm của Quốc hội, đã nộp ngân sách nhà nước gần 4.500 tỷ đồng sau khi trừ các chi phí cho các cuộc đấu giá.
Công khai số người đăng ký tham gia đấu giá đối với từng biển số
Một điểm mới trong nghị định sẽ được áp dụng trong năm tới là tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải công khai số lượng người đăng ký tham gia đấu giá của từng biển số đang niêm yết.
Ngoài ra, trước khi đấu giá, Bộ Công an sẽ chuyển danh sách biển số đưa ra đấu giá cho tổ chức hành nghề và thông báo công khai kế hoạch trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông.
Tổ chức hành nghề đấu giá sau đó phải thông báo công khai thông tin kế hoạch tổ chức đấu giá kèm theo danh sách biển số xe đưa ra đấu giá. Thời gian thông báo công khai, niêm yết quy chế đấu giá, danh sách biển số xe đưa ra đấu giá ít nhất 30 ngày trước ngày tổ chức.
Cuộc đấu giá sẽ bị dừng khi Bộ Công an có căn cứ cho rằng tổ chức hành nghề hoặc đấu giá viên có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hoặc trong sự kiện bất khả kháng.
Còn người tham gia đấu giá sẽ bị truất quyền khi cung cấp thông tin sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá; thông đồng với đấu giá viên để tổ chức dìm giá, làm sai lệch kết quả; đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên nhằm lại sai kết quả.
Phạm Dự