Tại phiên chất vấn do Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều 16/3, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp giải quyết hiệu quả thu gom rác thải, nhất là rác liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng nêu thực trạng vệ sinh môi trường và đô thị đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là rác thải. Bộ Xây dựng cho biết hiện nay mới xử lý được 15% nước thải đô thị, trong khi chỉ tiêu đến 2030 là 70%. "Cả nước đang thải 60.000 tấn rác, chủ yếu chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường, vậy Bộ có biện pháp gì xử lý rác này?", ông Huân chất vấn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chính sách, pháp luật quy định trách nhiệm xử lý rác thải đã có đầy đủ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, các nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị và người dân để đạt hiệu quả cao nhất.
Chất thải rắn chôn lấp không hợp vệ sinh gây hệ lụy rất lớn cho môi trường. Đây là tài nguyên nhưng chưa được tái chế sử dụng hiệu quả. Năm 2022, Bộ sẽ tổng kết đánh giá toàn bộ trung tâm xử lý chất thải, tình trạng môi trường hiện nay và công bố công nghệ để các địa phương lựa chọn công nghệ tái chế phù hợp.
Trách nhiệm của người dân, theo Bộ trưởng, rất quan trọng và việc xử lý rác thải cũng cần xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ thêm, sau này cần trở thành ngành công nghiệp dịch vụ xử lý rác thải. "Phải đưa xử lý rác thải trở thành ngành dịch vụ môi trường, có lãi", ông nói.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nói sẽ kiểm tra, quy hoạch hệ thống thu gom, trung chuyển, hình thành cơ chế tài chính, chính sách khuyến khích, xử phạt... Hiện nay, kinh phí xử lý rác thải mới có 10% đóng góp từ người gây ô nhiễm nên cơ quan quản lý Nhà nước dự kiến nâng tỷ lệ này lên cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội.
"15% địa phương đã chuyển sang biến rác thành năng lượng, năm 2024 cả nước phải làm như vậy, đồng thời xử lý các bãi rác chôn lấp, không hợp vệ sinh hiện nay", ông Hà nhấn mạnh.
Một vấn đề nan giải hiện nay là xử lý rác thải ở nông thôn. Nhiều vùng của Hà Nội không có quỹ đất chôn lấp, nên ông Hà cho biết Bộ sẽ đưa ra mô hình xử lý rác thải, trong đó rác thực phẩm thì khuyến khích tái sử dụng cho chăn nuôi, làm phân bón. Việc xử lý rác thải sinh hoạt nguy hại cũng được khuyến khích quy hoạch xử lý tập trung, không để phân tán theo từng thôn, xóm.
Riêng chất thải liên quan đến Covid-19, Bộ xác định từ đầu đây là chất thải nguy hại, cần quy trình xử lý đặc biệt. Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đối tượng, phương pháp thu gom, cung cấp cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực xử lý...
Đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích nguyên nhân chưa xử lý được chất thải rắn?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, việc xử lý rác hiện nay đạt 20%, đang chuyển từ chôn lấp sang thu gom, đốt. Dù giải pháp này hiệu quả tốt hơn một bước, một số nhà máy lượng xỉ sau khi xử lý tăng lên và đây là rác thải nguy hại. Vì vậy, quản lý chất thải rắn phải bắt đầu từ quy hoạch.
"Nếu không phân loại thì không xử lý hiệu quả. Chúng ta có 40% rác thải là hữu cơ, nếu đốt thì không ổn và có thể làm phân hữu cơ", ông Hà nói, cho biết trong năm nay sẽ có quy định cụ thể về việc thu gom rác, sự tham gia của người dân, đóng góp của Nhà nước.