"Lần đầu nghe nói đến tranh lá, mình thấy không thực tế chút nào, vì chiếc lá rất mỏng manh và nhanh hỏng. Tìm hiểu thì thấy mê vì từ những chiếc lá khô ảm đạm có thể tạo ra cả thế giới màu sắc, và những bức tranh tinh tế" - Nguyễn Duy, người đứng đầu xưởng Tranh Lá Việt (20, ngõ 361 Trường Chinh, Hà Nội), tâm sự.
Để sáng tạo tranh lá, cần ghép từng mảnh lá nhỏ. |
Duy cho biết ở Việt Nam hiện chỉ có vài cơ sở sản xuất tranh lá quy mô, và loại hình này chưa được biết đến nhiều dù đã bắt đầu du nhập từ Nhật Bản gần chục năm nay. Ngay cả với thế giới, tranh lá cũng chỉ mới được nói đến lần đầu vào năm 1986 khi họa sĩ Nhật Bản Kazuo Akasaki giành một giải thưởng lớn về mỹ thuật tại Pháp với tác phẩm "Gian hàng hoa quả". Nếu như tranh lá của Trung Quốc và Ấn Độ được sáng tạo bằng cách vẽ trên lá thì với loại hình này, lá không phải là nền, mà chính là màu sắc để ghép thành bức tranh.
Để có nguyên liệu, những người làm tranh lá phải lặn lội đến nhiều cánh rừng, vì không phải loại lá nào cũng sử dụng được. Qua thử nghiệm, họ mới biết những loại lá nào có thể cho màu sắc mong muốn sau khi xử lý. "Ngay ở Hà Nội cũng chỉ có vài loại cây dùng được thôi" - Nguyễn Duy cho biết.
Lá được chọn phải mới rụng, nguyên vẹn và chưa phân hủy. Để tạo ra màu trắng, họ tìm những loại lá mỏng nhưng có độ dai, ít gân, Những màu khác cần loại dày hơn, gân đẹp và có nhiều sắc độ trên cùng một chiếc lá để tạo sự biến hóa uyển chuyển, sống động trên tranh.
Bức tranh lá này sẽ được làm sạch bớt keo dán trước khi quét lớp bóng để bảo quản. |
Sau khi rửa sạch và để ráo, lá được luộc kỹ (để tách bỏ các thành phần hữu cơ dễ phân hủy, giúp bảo quản lâu hơn) cùng vài loại hóa chất tạo sự bền dai, tránh vỡ vụn. Tùy độ dày và tính chất của lá, thời gian luộc có thể kéo dài từ 2 ngày đến 1 tuần. Tiếp đến là khâu phơi nắng với sự kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ khá chặt chẽ, trước khi đem là phẳng để ghép tranh.
Những chiếc lá sau xử lý có màu sắc khá đa dạng: trắng, vàng, nâu, ghi, đen, xám... Tuy nhiên, để kho màu sắc thêm phong phú, một số lá sẽ được đem nhuộm.
"Đó là sự khác biệt giữa tranh lá Việt Nam và Nhật Bản. Tranh của họ trông ảm đạm hơn, một phần do phong cách, phần khác do họ chỉ dùng màu lá tự nhiên" - Lê Đắc Trung, một họa sĩ tranh lá của xưởng Tranh Lá Việt, nói. Theo anh, riêng về màu tự nhiên, Việt Nam vẫn chiếm ưu thế nhờ nguồn lá dồi dào, đa dạng.
Lá sau xử lý có màu sắc đa dạng. |
Trên nền giấy dán lên tấm gỗ, họa sĩ vẽ phác thảo bằng chì, rồi chọn những mảnh lá có màu sắc thích hợp để cắt và dán lên. Có khi cả bao lá to mà họa sĩ chỉ tìm được vài chiếc vừa ý. Việc chọn lá phụ thuộc vào mỹ cảm và phong cách từng người. Cùng một mẫu nhưng 10 người làm sẽ cho 10 tranh lá khác nhau, không sợ đụng hàng.
Sau khi sửa sang, hoàn thiện, tranh được phủ một lớp bóng để bảo quản. Trừ khâu xử lý lá, thời gian làm một bức tranh có thể chỉ 3-4 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài hàng tháng.
Ngoài sự độc đáo về chất liệu, theo Lê Đắc Trung, tranh lá có ưu điểm là sự chân thật, sống động của màu sắc. Trong một chiếc lá đã có sự biến đổi giữa màu này với màu kia một cách tự nhiên và có hồn, không một nghệ thuật pha màu nào có thể bắt chước được. Những chiếc gân lá cũng tạo ra hiệu ứng cảm xúc rất đẹp. Với sự tinh tế của họa sĩ, nhiều khi gân lá có thể thay thế cho các họa tiết, chẳng hạn như đường viền mái ngói trên một bức tranh về phố Hà Nội.
Nguyễn Duy cho biết hiện tranh lá Việt Nam chủ yếu là chuyển thể từ một tác phẩm nổi tiếng có sẵn, nhưng cũng có những bức là sáng tác riêng. Về tuổi thọ của tranh, theo anh, có thể kéo dài đến vài chục năm.
Một người chơi tranh sẽ không phải quá tốn kém khi muốn rước một bức tranh lá về bổ sung bộ sưu tập, hay trang điểm cho ngôi nhà của mình. Tại Tranh Lá Việt, giá một bức khoảng từ 30 đến vài trăm USD.
Bài và ảnh Hải Hà