![]() |
Cảnh trong phim "Mê Thảo-Thời vang bóng". |
- Sinh trưởng ở vùng duyên hải miền Trung nhưng nhiều tác phẩm của anh lại mang phong vị của vùng sông nước ĐBSCL hoặc Bắc Bộ xa xưa. Điều gì đã chi phối sáng tác của anh?
- Chính ngòi bút của nhà văn Sơn Nam và Nguyễn Tuân đã mê hoặc tôi. Thiên nhiên trong các tác phẩm Sơn Nam ôm choàng cuộc sống của tất cả các nhân vật, còn trong thế giới Nguyễn Tuân, tôi bắt gặp chiều sâu thăm thẳm của tâm linh và sự thần bí. Tôi muốn biến những điều mình thích thành mạch nguồn sáng tác.
- Để đưa được cái hồn của tác phẩm văn học sang kịch bản điện ảnh thì một nhà biên kịch phải làm gì?
- Nghệ thuật là sự chia sẻ về tâm hồn. Nhà biên kịch phải nắm bắt được sự tinh túy mà tác giả văn học muốn nói. Phần còn lại thuộc về kỹ thuật viết kịch bản.
- Đạo diễn thường than phim dở vì không có kịch bản hay, còn nhà biên kịch lại cho rằng khó có kịch bản tốt vì một nền văn học thiếu những tác phẩm để đời. Ở góc độ nhà biên kịch, anh nghĩ sao?
- Phàn nàn của đạo diễn là chính xác vì kịch bản điện ảnh là nền tảng tạo nên sự chú ý đối với khán giả. Một bộ phim hay phải đưa ra những vấn đề tư tưởng cần thiết thông qua hành động hay tích cách nhân vật và lời thoại súc tích. Tất cả những cái đó đều được thể hiện trong kịch bản và đạo diễn có nhiệm vụ gia công sáng tạo trên cơ sở đó. Nhà biên kịch cũng như một nhà văn: muốn tác phẩm tạo được hiệu quả xã hội và nghệ thuật không phải dễ dàng gì. Thứ nhất, một nhà biên kịch phải biết phát hiện những vấn đề sôi động, phải lao vào những gì mà người ta quan tâm. Thứ hai, phim phải mới lạ, thu hút khán giả, trong đó có khâu kỹ thuật, kỹ xảo. Theo tôi, biên kịch Việt Nam có thể đủ sức viết nên những kịch bản hay, nhưng nếu đưa vào sản xuất với kỹ thuật lạc hậu thì sẽ chỉ cho ra một sản phẩm kém.
- Anh có thể nói về bút lực của mình?
- Tôi tự nhận mình viết khá nhiều nhưng bút lực mạnh không phải là ưu điểm. Tôi có nguyên tắc: xong việc này phải làm ngay việc khác, vì thế các phim của tôi tuần tự ra đời. Một người viết kịch bản chuyên nghiệp phải luôn nghĩ rằng, viết một kịch bản là tham gia vào một guồng máy sản xuất.
- Với trên 100 kịch bản được ra đời, anh có nghĩ mình sẽ lặp lại?
- Tôi sẽ không lặp lại mình nhưng người ta sẽ thấy bóng dáng tác giả trong các tác phẩm. Điều tất yếu đó sẽ xảy ra. Nguyên nhân là quá trình viết dựa trên nhân cách con người mà tác giả đang có sự ưu tư. Sự quan tâm này sẽ hiện ngay lên tác phẩm
- Trong khi viết kịch bản, anh có nhắm trước đến đạo diễn nào không?
- Làm ở hãng phim Giải Phóng, tôi có điều kiện quen nhiều đạo diễn, nên mỗi khi viết kịch bản tôi lại nghĩ đến người sẽ thực hiện phim. Đạo diễn Lê Dân với tôi có một mối thân tình nên có khá nhiều kịch bản của tôi được anh đạo diễn. Lê Cung Bắc là người anh ở trường đại học và chị Việt Linh là người mà tôi cộng tác ngay từ bộ phim đầu tay của chị. Mỗi đạo diễn có một cách thể hiện riêng, nhưng có lẽ Việt Linh là người đã tạo ấn tượng mạnh với tôi. Chị vật vã với kịch bản của tôi, quyết tâm làm cho bằng được các tác phẩm ấy. Có thể nói chị là một nữ đạo diễn đầy bản lĩnh.
- Anh tham gia nhiều vai trò: dạy học, làm báo, công tác tổ chức kịch bản, và là trưởng phòng biên tập Hãng phim Giải Phóng. Một ngày của anh bắt đầu như thế nào?
- Tôi thường tránh những buổi tiệc dài và những bữa bù khú với bạn bè. Tôi sợ sự quá đà dễ làm người ta không vươn lên được. Buổi sáng, tôi cố gắng làm hết việc thuộc về trách nhiệm, buổi chiều từ 14h, tôi tập trung viết kịch bản, đến tối nghỉ ngơi vì tôi không thể thức khuya để viết như lúc còn trẻ.
(Theo Thanh Niên)