- Trong những tập gần đây, nhân vật Lan (Thanh Hương đóng) bị đẩy tới đường cùng. Vì sao chị và đội ngũ biên kịch phải đẩy nhân vật vào cảnh bi thảm như vậy?
- Điều khiến tôi trăn trở nhất là không thể để cuộc đời các nhân vật kết thúc có hậu, bởi tệ nạn này rất hiếm khi cho con người ta được như vậy. Đúng là Lan hướng thiện, biết dừng lại và quay đầu, mơ về mái ấm và nguyện sống ẩn dật ở quê... nhưng cái nghề mại dâm ấy đã được lập trình cho đời cô rồi, làm sao khác được? Những người như Lan đâu được lựa chọn? Đâu thể ngưng nghề là chấm dứt mọi chuyện, xóa ván cờ cuộc đời đi đánh lại? Hệ lụy của mại dâm kinh khủng đến mức kéo người ta trượt đi cả đời như Lan.
- Chị đã tìm hiểu thực tế thế nào để xây dựng số phận cho nhân vật trong phim?
- Đó là câu chuyện hơn 10 năm trước, khi tôi còn là người dẫn chương trình Người xây tổ ấm. Trong một lần đến Trung tâm Giáo dục - Lao động số 2 (Trại phục hồi nhân phẩm số 2) để phỏng vấn các cô gái từng làm nghề mại dâm và đang cải tạo lao động, tôi chú ý đến một em gái rất trẻ, có gương mặt bầu bĩnh, suốt buổi nhất định không hé môi một lời nào. Tôi phải mất gần một giờ thuyết phục, em mới đồng ý kể cho tôi nghe về số phận mình. Cô gái đó chính là Quỳnh Búp Bê.
Hoàn cảnh của Quỳnh ngoài đời như trên phim, hầu như không thêm thắt gì nhiều. Tôi nghĩ, một cuộc đời như vậy là đã ngồn ngộn chất liệu cho một bộ phim dày dặn, nên chỉ trung thành với những gì đã có. Tôi luôn canh cánh làm sao đưa được những câu chuyện của Quỳnh, Lan, My, Cảnh, Cấn... lên phim một cách chân thực nhất, gần với lời kể của Quỳnh nhất.
- Nhân vật nữ trong "Quỳnh Búp Bê" hầu như đến với nghề bán dâm là do hoàn cảnh đưa đẩy. Trước ý kiến phim cổ súy cho góc nhìn đồng cảm với các cô gái này, chị trả lời thế nào?
- Tôi muốn khán giả có cái nhìn đồng cảm với những cô gái như Quỳnh, Lan vì họ sống giữa nhơ nhớp nhường ấy mà vẫn hướng thiện, yêu thương nhau, khát khao trở về cuộc sống an bình. Những nhân vật như Lan, Quỳnh, Cảnh, Vũ được đồng cảm bởi phần tốt, phần con người ẩn chứa bên trong, chứ không phải đồng cảm với gái mại dâm, tên ma cô hay loại tệ nạn đã và đang hoành hành khắp nơi, làm tan nát bao gia đình và cuộc đời.
- Chị gửi gắm thông điệp gì sau những cuộc đời trong phim?
- Thứ nhất, đừng người cha người mẹ nào từ chối lắng nghe con, để con phải chọn cách bỏ nhà trốn chạy rồi rơi vào "động quỷ" như Quỳnh. Thứ hai, đừng đặt lên vai những cô gái quê như Lan những áp lực quá nặng nề, để họ phải nhắm mắt đưa chân, kiếm tiền lo cho mẹ ốm, cha đau, em học đại học. Thứ ba, tệ nạn mại dâm cần được xóa sổ một cách kiên quyết. Hãy xem những kẻ mua dâm, bảo kê... thực sự là ai, liệu đó có phải là một trong số những người có thể quyết định đến việc tồn tại của những tụ điểm như Thiên Thai hay không. Cuối cùng, hãy xem để hiểu về mại dâm và tránh xa nó.
* Tình tiết ở tập 18 của phim
- Phim có một nhóm gồm bốn biên kịch. Các anh chị đã phối hợp thế nào?
- Câu chuyện là của tôi, tôi cũng là người đề xuất ý tưởng và viết hơn 40 tập phim Quỳnh Búp Bê. Sau đó, các biên kịch khác bắt đầu phối hợp để đảm bảo các vấn đề kỹ thuật của một kịch bản chuẩn. Tôi không phải là người được đào tạo bài bản về ngành biên kịch, các kịch bản trước giờ của tôi đều viết dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Trong quá trình làm việc, có những tình tiết tôi cho là cần thiết, phải đưa vào phim, nhưng biên tập và các biên kịch khác không nghĩ như vậy nên sinh ra mâu thuẫn. Tuy nhiên, tôi cũng tự biết phải lắng nghe nên không coi đó là mâu thuẫn trầm trọng.
- Chị nghĩ sao về cách đạo diễn Mai Hồng Phong thể hiện kịch bản lên phim?
- Nhìn chung, tôi rất hài lòng với đạo diễn. Anh ấy đã khiến kịch bản hay hơn nhiều vì sự nghiêm túc tìm tòi, nghiên cứu về tệ nạn xã hội - một lĩnh vực anh ấy không có nhiều hiểu biết. Anh lựa chọn diễn viên và chỉ đạo diễn xuất để họ diễn như đang sống cuộc đời chính mình. Mai Hồng Phong cũng biết cách đẩy câu chuyện đến ngưỡng không thể chịu đựng được, khiến khán giả phải ngộp thở. Tôi chỉ buồn một chút là nhiều chi tiết khá kinh khủng trong đời sống của các cô gái mại dâm lại bị anh ấy bỏ qua.
- Phim có những cảnh quay bị cắt khi lên sóng truyền hình vì bạo lực, nhạy cảm. Chị thấy sao?
- Với vai trò biên kịch, tất nhiên là tôi không vui. Tôi là kẻ nghiện phim nước ngoài, nên không thấy có cảnh nào nhạy cảm đến mức phải “cắt cúp”. Bộ phim mới nhất tôi xem có vụ bắt cóc người cháu trong một gia đình giàu có, mà do chưa lo được tiền chuộc nên nạn nhân bị cắt một tai. Cảnh cắt tai tôi không dám nhìn và cảm thấy ghê sợ, nhưng nhờ có nó, tôi hiểu về sự tàn bạo của bọn bắt cóc tống tiền. Đời nhiều ngang trái, éo le, nhiều tệ nạn xã hội cũng như các tội ác ghê rợn. Nếu không cho khán giả biết một cách chân thực nhất về những điều ấy, phim sẽ thật chán.
- Chị đánh giá như thế nào về dàn diễn viên của phim?
- Tôi ngưỡng mộ họ. Cách diễn rất đời của họ đã làm bộ phim trở nên hấp dẫn. Các diễn viên khá giống với tưởng tượng của tôi, chỉ có vai Cảnh là khác. Khi viết về nhân vật Cảnh, tôi nghĩ đến Minh Tiệp, nhưng sau này Tiệp lại vào vai Vũ.
Hai diễn viên tôi thích nhất là Thanh Hương (vai Lan) và Thu Quỳnh (vai My Sói). Phương Oanh cũng rất thành công khi vào vai Quỳnh - một cô gái non tơ, ngơ ngác trước những bầm dập cuộc đời.
Hà Đỗ