Hơn một tuần qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Campuchia, TP Hà Tiên tăng cường cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ phối hợp biên phòng ngăn chặn người vượt biên. Thành phố có đường biên giới cả đường bộ, biển và sông nên việc ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép hết sức khó khăn.
Trong đêm, ánh đèn chốt gác phía Campuchia luôn sáng. Trên đường tuần tra, nhiều cuộc gọi giữa lực lượng làm nhiệm vụ hai nước diễn ra thường xuyên, nhất là khi có tin "người lạ" mấp mé bờ biên giới. Thượng úy Nguyễn Sư Long, Trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) cho biết, mỗi đêm, tổ tuần tra di động đi 6 -10 lượt. Còn tại các chốt, lực lượng trực 24/24. "Mùa mưa đã đến, đường sá lầy lội, rất khó khăn, nhưng anh em đã quán triệt nhiệm vụ rất quan trọng nên không ai nản lòng", anh nói.
Cùng với Hà Tiên, TP Phú Quốc được xác định là "điểm nóng" nhập cảnh trái phép ở Kiên Giang. Trong tuần qua, trên địa bàn tăng cường 7 chốt phòng chống dịch, 50 chiến sĩ, nâng tổng số lên 27 chốt và gần 100 người trực chiến ngày đêm. Hàng chục vụ nhập cảnh trái phép đã bị phát hiện, đưa đi cách ly.
Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải Quân đóng tại Phú Quốc đã điều thêm tàu trực ở các khu vực trọng điểm. Máy radar được tăng cường để các chiến sĩ quan sát, phát hiện các phương tiện chở người nhập cảnh trái phép từ hướng Campuchia. 13 tàu và 19 xuồng của Vùng Cảnh sát biển 4 cũng tham gia tuần tra liên tục.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND Phú Quốc cho biết, nếu cần thiết địa phương sẽ cho dừng hoạt động của tất cả tàu đánh bắt.
An Giang có khoảng 100 km đường biên giáp Campuchia. Biên phòng kết hợp địa phương duy trì 200 chốt, tổ chống dịch. Dưới tiết trời cuối tháng 4 rất oi bức, gió táp phần phật, thiếu tá Nguyễn Trương Phong, Trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn đến từng chốt đôn đốc các chiến sĩ thay phiên nhau tuần tra.
Thiếu tá Phong cho biết, thời tiết vùng biên thay đổi mưa nắng thất thường. Với địa hình đồng ruộng, lại nhiều sông, rạch tiếp giáp nước bạn, đâu đâu cũng có thể qua lại một cách dễ dàng. Nhưng với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các chiến sĩ luôn kiên trì bám trụ, kiểm soát chặt tuyến biên giới.
Ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, hai tỉnh Tà Keo và Kandal của Campuchia đang có 670 ca nhiễm Covid-19. Nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu có người nhập cảnh trái phép. Mới đây, tỉnh ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 là người Việt nhập cảnh. Họ được cách ly ngay và đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện An Phú với sức khỏe ổn định.
Tỉnh có 50 cơ sở cách ly với khả năng nhận hơn 4.200 người. 16 trung tâm y tế có thể điều trị 180 người mắc Covid-19. Địa phương đang nghiên cứu phương án lập hai bệnh viện dã chiến hàng trăm giường ở huyện An Phú và Châu Thành.
Đồng Tháp có đường biên giới dài hơn 50 km với Campuchia, với 7 cửa khẩu, trong đó hai cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà cùng 5 cửa khẩu quốc gia. Ngoài 17 chốt cố định, tỉnh tăng cường thêm 16 đội tuần tra lưu động; đồng thời vận động người dân tố giác những trường hợp vượt biên.
Nhờ tin báo của người dân, rạng sáng 26/4, biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước đã ngăn chặn kịp thời 8 người Việt (3 nam, 5 nữ) định nhập cảnh trái phép. Những người này đi trên hai vỏ lãi từ tỉnh Kampong Chnang đến đường biên giới sông Tiền. Bộ đội biên dùng loa vận động họ quay trở lại Campuchia.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND Đồng Tháp cho biết, địa phương sẵn sàng hoạt động bệnh viện dã chiến 200 giường tại trường quân sự tỉnh, và đã có phương án lập thêm bệnh viện đã chiến thứ hai tại huyện Hồng Ngự, quy mô 250 giường. Ngoài ra, tỉnh định trưng dụng hai bệnh viện tại TP Cao Lãnh với hơn 400 giường cho tình huống xấu xảy ra.
Cùng với các chiến sĩ biên giới Tây Nam, những ngày qua biên phòng ở huyện Hướng Hóa cũng căng mắt dõi theo con sông Sê Pôn, biên giới giữa Quảng Trị và tỉnh Savannakhet, sau khi Lào bùng phát dịch. Đại úy Hoàng Kim Bắc, Đồn biên phòng Thuận, cho hay mùa này nước sông cạn nên rất thuận lợi cho vượt biên. Ngày 23 và 24/4, chín người nhập cảnh trái phép bị bắt giữ.
Chốt trực của đại úy Bắc gồm ba người, đặt trên khu đất cao sát sông để thuận lợi quan sát. Vào cao điểm sáng sớm và chiều muộn, họ thay nhau đi tuần dọc các đường mòn, lối mở, bến nước, kết hợp tuyên truyền phòng chống Covid-19.
Cạnh đó, Đồn trưởng Biên phòng Thanh, trung tá Ngô Trường Khôi cho biết, trong bối cảnh Covid-19 phức tạp ở Lào, Thái Lan và Campuchia, ngày 26/4, 16 chốt của đồn sẽ được tăng cường thêm 48 công an, dân quân xã. Ngoài tuần tra, lực lượng liên tục thông báo tình hình dịch ở Lào cho bà con trong bản, tuyên truyền không tiếp tay, bao che cho người xuất nhập cảnh trái phép.
Biên phòng Quảng Trị ghi nhận tại Lào có 22.000 người Việt, trong đó khoảng 9.600 người làm việc và sống dọc biên giới. Tình hình vượt biên diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh. Đơn vị này kiến nghị lập tổ kiểm soát trên quốc lộ 9. UBND tỉnh yêu cầu thực hiện "đổi đầu kéo, đổi tài xế" tại hai cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo.
Hà Tĩnh có 156 km biên giới giáp Lào với nhiều đường tiểu ngạch. Ngoài tuần tra, biên phòng cũng kiểm soát chặt người và xe từ Lào về qua cửa khẩu Cầu Treo (huyện Hương Sơn). Từ ngày 21-25/4, 127 người nhập cảnh được đo thân nhiệt, phun khử trùng hành lý và phương tiện, đưa đi cách ly tập trung.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, cuối tháng 4, đơn vị lập thêm 11 chốt với hệ thống nhà bán kiên cố, mỗi chốt có 10 người. Sắp tới, nếu dịch bệnh ở Lào tiếp tục phức tạp, mỗi chốt được thêm 5 người. Đồn cũng bố trí các tổ tuần tra lưu động 3-5 người.
"Khi dịch bùng phát và lan rộng, lao động đang làm việc ở Lào và Thái Lan có thể trốn về nước. Biên phòng đã lường trước điều này nên tăng cường kiểm soát, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào vượt biên", thượng tá Nguyên nói.
Những ngày qua, Covid-19 bùng phát nhanh ở các nước gần Việt Nam. Hiện, Campuchia ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm, 79 ca tử vong; Thái Lan hơn 57.000 ca nhiễm và 148 trường hợp tử vong; Lào hơn 400 ca dương tính nCoV. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch trong nước luôn thường trực, nhất là từ các nguồn nhập cảnh.
Cửu Long - Hoàng Táo - Đức Hùng