Do không có đường bờ biển, biển Sargasso có đặc trưng là ranh giới độc đáo xác định thông qua dòng hải lưu thay vì đất liền. Vùng biển này cũng nổi tiếng với sự tích tụ tự nhiên và phi tự nhiên của tảo và mảnh vụn, theo IFL Science.
Biển Sargasso được bao quanh bởi 4 dòng hải lưu gồm dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương ở phía bắc, dòng hải lưu Canary ở phía đông, dòng hải lưu xích đạo Bắc Đại Tây Dương ở phía nam và dòng hải lưu Antilles ở phía tây. Chúng được gọi là vòng hải lưu, hệ thống hải lưu hình tròn lớn trên biển hình thành bởi gió toàn cầu và vòng xoay của Trái Đất, lưu giữ hiệu quả vùng nước bên trong.
Tên gọi của biển Sargasso đến từ loại tảo đặc biệt sinh sống trong nước biển tại đó. Tảo mơ là một loại đại tảo trôi nổi theo khối lớn màu nâu vàng, hình thành môi trường độc đáo trên biển. Trên thực tế, sự hiện diện của khối tảo nổi giữa biển được ví như "rừng mưa vàng", cung cấp môi trường sống, kiếm ăn và đẻ trứng cũng như hành lang di cư cho nhiều sinh vật. Ví dụ, loài cá chình châu Âu nguy cấp tới biển Sargasso để sinh sản. Nhiều loài cá voi như cá nhà táng và cá voi lưng gù di cư qua đây trong hành trình xuyên đại dương.
Tảo mơ được biết tới từ lâu. Columbus từng nhắc tới nó trong nhật ký thám hiểm từ năm 1492. Việc bắt gặp khối tảo nổi từng gây lo sợ cho thủy thủ đoàn của ông. Tàu Santa Maria của họ mắc kẹt giữa đại dương trong 3 ngày do tình trạng lặng gió. Các thủy thủ rất lo sợ khi họ trông thấy tảo biển, có thể mắc vào tàu và kéo họ xuống nước.
Dù rất quan trọng đối với sinh vật biển, biển Sargasso đang bị đe dọa bởi hoạt động của con người. Không chỉ tàu bè phá hủy môi trường với tiếng ồn và chất ô nhiễm hóa học mà dòng hải lưu cũng thu hút lượng lớn rác thải nhựa và nhiều rác thải khác từ con người.
Do chuyển động xoay tròn của vòng hải lưu, rác thải nhựa bị cuốn vào biển Sargasso, hình thành đảo rác Bắc Đại Tây Dương, ước tính rộng hàng trăm kilomet và có mật độ 200.000 mẩu rác/km2. Dù có nhiều tổ chức cam kết bảo vệ vùng biển độc đáo này, nỗ lực dọn rác bị cản trở bởi những thách thức gắn liền với rác thải nhựa trên biển, đe dọa sự sống trong vùng.
An Khang (Theo IFL Science)