Cánh đồng Gò Dài, xã Bình An là vùng thấp trũng, nhiễm phèn nên không thể trồng lúa. Nhìn đồng ruộng bỏ hoang, cỏ lác mọc um tùm, ông Nguyễn Văn Thuật tiếc nuối, nghĩ cách cải tạo.
Thấy một vài cây sen dại phát triển tốt, năm 2016 ông Thuật trồng thử nghiệm, cho kết quả tốt. Từ đó ông thuê máy đào đất, đắp bờ giữ nước hình thành bốn ao sen với diện tích 10 sào (một sào 500 m2).
Mỗi vụ từ tháng giêng âm lịch, ông Thuật mua giống về thả xuống ao. Sau hơn ba tháng, sen bắt đầu ra hoa cho đài, đến cuối tháng 7 thì kết thúc vụ. Cánh đồng bùn nhiều, luôn có nước nên sen phát triển tốt, đài lớn, hạt to. Với 10 sào, cứ cách một ngày ông hái một lần thu khoảng 30 kg hạt, bán 30.000 đồng/kg.
Ông Thuật bỏ chi phí giống, phân bón và thuốc trừ sâu hết khoảng 10 triệu đồng. Trồng sen không vất vả so với trồng lúa, đầu vụ chỉ dọn cỏ, sau sen phát triển mắc sâu bệnh mới phun thuốc. "Mỗi vụ trừ chi phí, tôi thu khoảng 60 triệu đồng, gấp bốn lần trồng lúa", lão nông 51 tuổi nói.
Cuối vụ, ông Thuật lại hút cạn ao bắt cá. Dưới gốc sen, cá tràu, chép sinh sống và phát triển nhiều.
Cạnh ao ông Thuật, ông Châu Thanh Hải trồng một ha sen đang vào vụ nở hoa. Sáng mỗi ngày, vợ chồng ông mang dụng cụ đến ao thu hoạch đài sen. Diện tích lớn nên vợ chồng dàn hàng ngang để thu hái. "Hạt sen vừa chín thì mình thu hoạch, non quá không được, khi phơi khô hạt rất nhỏ, thương lái không mua", ông Hải giải thích.
Theo nông dân này, năm nay nắng nóng nên nhiều cây sen bị chết, năng suất không bằng năm trước. Đầu ra sản phẩm được thương lái đến tận nhà thu mua nên không sợ ế. Bình quân mỗi vụ, riêng thu hoạch đài sen gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng.
Ông Lê Hồng Thiết, Chủ tịch xã Bình An, cho biết đến nay toàn xã có hơn 30 hộ trồng khoảng 15 ha. Ngoài cho thu nhập khá, cây sen còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người già. Chủ ao sen mang đài về thuê người già tách lấy hạt, công thuê 3.000 đồng/kg hạt. Mỗi buổi, người bóc nhiều thu hơn 100.000 đồng.