22 cuốn kim sách và 10 kim ấn triều Nguyễn đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia giúp hậu thế có cơ hội hiểu thêm về lịch sử vương triều phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Trong số đó, có nhiều ấn bản bằng vàng rất có giá trị, như: Ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo, Kim sách Đế hệ thi.
Ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo
Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 đến khi Nguyễn Phúc Ánh trở lại Phú Xuân, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long năm 1802, các đời chúa Nguyễn lần lượt dùng nhiều ấn nhưng ấn truyền quốc thì chỉ có một, đó là chiếc ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo, ra đời trước những cuốn sách vàng cả trăm năm.
Ấn hình vuông, núm cầm đúc hình kỳ lân vờn ngọc, đầu quay về bên trái, chân bên trái đặt lên trên viên ngọc. Dọc lưng kỳ lân còn chạm khắc vân mây lửa. Ấn được đúc năm 1709, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông là người văn võ toàn tài, nuôi chí lớn. Lúc này, Đàng Ngoài có vua Lê nhưng quyền lực đều nằm trong tay chúa Trịnh. Ông muốn tách riêng Đàng Trong thành nước độc lập nên cho người sang cầu phong với nhà Thanh nhưng không thành. Chúa cho đúc ấn vàng Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo, nghĩa là ấn quý của chúa Nguyễn nước Đại Việt và truyền cho các đời sau.
Thời kỳ này, các chúa Nguyễn đã trải qua 6 đời, gây dựng cơ nghiệp vững chắc, biến xứ Đàng Trong thành nơi thái bình, phát triển. Nhưng các chúa vẫn xem nhà Lê là chủ thiên hạ nên chiếc ấn được đúc mang hình tượng kỳ lân mà không phải là rồng. 5 đời chúa Nguyễn trước đó dù lập vương phủ nhưng vẫn dùng ấn tín do vua Lê ban.
Năm 1777, khi vị chúa cuối cùng của xứ Đàng Trong là Nguyễn Phúc Thuần qua đời thì chiếc ấn theo con trai Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) lưu lạc khắp nơi. Trải qua hơn 20 năm binh lửa gây dựng lại cơ đồ, tương truyền chiếc ấn ấy đánh rơi, làm mất nhiều lần rồi lại được tìm thấy. Sau này khi lên ngôi, vua Gia Long đã lấy ấn làm vật truyền quốc của nhà Nguyễn. Vua cũng cho đúc kim sách ca tụng công đức, dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Phúc Chu.
Vua từng dạy hoàng thái tử Đảm (vua Minh Mạng) rằng "Ấn báu này các đời truyền nhau, trải qua binh lửa, người chẳng chắc còn mà ấn vẫn giữ được trọn vẹn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. Ấn này quan hệ với nước nhà mật thiết, thực là ngôi báu trời cho... Từ nay về sau phải lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu của ta đời đời phải gìn giữ trao quyền cho nhau đến muôn năm lâu dài".
Kim sách Đế hệ thi
Việc củng cố quyền lực gia đình đế vương luôn được tiếp diễn qua mỗi đời vua mà hậu thế có thể thấy rõ nét qua kim sách Đế hệ thi. Vua Gia Long có 15 hoàng tử và 18 công chúa nhưng ngôi báu được truyền cho hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm, tức vua Minh Mạng sau này. Thuở mới lên ngôi, Minh Mạng thường lo ngại về họa tranh chấp giữa anh em trong hoàng tộc. Làm sao để cơ nghiệp kéo dài cho con cháu là điều ông luôn đau đáu.
Dựa vào nguyên tắc "chính danh định phận", vua đã sớm nghĩ ra phép đặt tên đôi cho dòng đế (vua) và dòng thân (anh em), nhưng làm sao để cho các thân vương khác chấp nhận không phải là điều dễ dàng. Biết anh em mình đều yêu thơ, Minh Mạng đã làm tổng cộng 11 bài thơ, một bài đặt là Đế hệ thi còn 10 bài kia đặt là Phiên hệ thi tặng cho 10 thân vương khác (4 hoàng tử đã qua đời trước khi vua lên ngôi), trong đó có phép đặt tên đôi.
Mỗi bài thơ gồm 20 chữ, dùng để đặt tên cho 20 đời con trai nối tiếp nhau kể từ thế hệ mình. Từ đời con của Minh Mạng và đời các con trai của thân vương khác ai cũng có tên đôi gồm 2 chữ. Chữ đầu tiên là tên chung cho cả thế hệ, còn chữ thứ hai là tên riêng cho mỗi người tùy vào gia đình đặt. Ông cho đúc thành kim sách vào năm 1823.
Đế hệ thi có 20 chữ Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh/ Bảo, Quý, Định, Long, Trường/ Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật/ Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương. Trong bài, chữ nào cũng mang ý nghĩa tốt lành, như Miên nghĩa là trường cửu phúc duyên, Vĩnh là bền khí hùng anh.
Một trong 10 bài thơ Phiên hệ thi tặng cho Định Viễn quận vương, con thứ 6 của vua Gia Long: Tịnh, Hoài, Chiêm, Viễn, Ái/ Cảnh, Ngưỡng, Mẫu, Thanh, Kha/ Nghiễm, Khác, Do, Trung, Đạt/ Liêu, Trung, Tập, Cát, Đa.
Luật sư, nhà văn Phạm Khắc Hòe từng đánh giá "Sáng tạo ra phép đặt tên đôi như vậy, vua Minh Mạng còn tin rằng sẽ đảm bảo chiếc ngai vàng cho con cháu trực hệ của mình ít nhất cũng được 20 đời, tức là khoảng 500 năm".
Ý nghĩa sâu sắc của cả 11 bài thơ và thâm ý của nhà vua là phân chia các hoàng tử con của vua Gia Long làm hai hệ: đế hệ và phiên hệ. Đế hệ là dòng vua, là người có quyền thừa kế ngai vàng của tổ nghiệp. Còn phiên hệ là dòng thân, là những bờ rào bao bọc xung quanh, bảo vệ cho ngai vàng ấy bền vững. Đằng sau những hào quang rực rỡ của cung đình, quyền lực vẫn luôn luôn đứng trên tình anh em ruột thịt - chuyện thường tình trong gia đình vua chúa bao đời xưa. Năm 1845, vua Thiệu Trị đã cho đúc kim sách nối tiếp Đế hệ thi để ban tên cho các hoàng tử, hoàng tôn nhằm phân biệt chi ngành, thế thứ, thân sơ.
Trải qua thăng trầm lịch sử, ước nguyện của vua Minh Mạng ngày nào không thực hiện được. Chỉ đến chữ Vĩnh - chữ thứ 5 trong bài Đế hệ thi, ứng với tên vua Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại thì chiếc ngai vàng cuối cùng của nhà Nguyễn không còn giữ được.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, những cuốn kim sách cùng kim ấn được chọn trưng bày gần như mang tính đại diện, phản ánh đầy đủ sự biến thiên của hoàng triều.
Kim sách, kim ấn gần như chỉ ban trong nội tộc của triều đình, bao gồm truy tôn hoàng đế đời trước, phong thái hậu, hoàng hậu, quý phi, hoàng tử... Nhìn vào họa tiết nhận ra ngay đồ cung đình bởi rồng, phượng, tứ linh được trang trí với những hình dáng khác nhau. Không chỉ kim sách, kim ấn mà trang phục, điển chế, điển lễ dưới triều Nguyễn quy định vô cùng chặt chẽ và gần như hoàn chỉnh. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là triều đại kế tục các triều khác trong thời kỳ phong kiến cuối cùng.
"Từ trước đến nay, hậu thế chỉ biết đến những tư liệu bằng giấy, lụa còn sách bằng vàng, bạc rất quý hiếm. Các cuốn kim sách, kim ấn là dấu ấn đặc biệt về lịch sử, văn hóa, cũng là nguồn sử liệu tương đối tin cậy, phần nào cho hậu thế biết được cuộc sống gia đình vua chúa xưa kia và những biến động của một vương triều", ông nói.
Hoàng Phương