Trên tờ Eleven Myanmar, tác giả Nay Htun Naing đánh giá chủ đề tranh chấp ở Biển Đông sẽ được tiếp tục nêu lên tại các hội nghị trong khuôn khổ do ASEAN tổ chức lần này.
Lãnh đạo của nhiều nước, gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Tony Abbott, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Philippines Benigno Aquino ....sẽ bay thẳng từ Bắc Kinh sang Naypytaw, Myanmar ngay khi hội nghị APEC kết thúc. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã lên đường đi dự sự kiện của ASEAN.
"Tranh luận về ai sở hữu phần nào ở Biển Đông có thể sẽ bùng nổ trong các cuộc họp lần này, sau một năm Trung Quốc thực hiện nhiều hoạt động gây căng thẳng tại khu vực", AFP đánh giá.
Tổng thống Philippines Aquino dự kiến sẽ nêu các hành động của Trung Quốc thời gian gần đây tại Biển Đông, gồm cả việc tàu thủy văn của Bắc Kinh xâm phạm khu vực bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa. Các thành viên hiệp hội ASEAN cũng sẽ thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm có cơ chế ràng buộc để hiện thực hóa DOC được đưa ra từ cách đây 12 năm, theo tờ Rappler của Philippines.
Giới phân tích đặc biệt chú ý tới "nhân tố Obama" trong các cuộc họp lần này. Tổng thống Mỹ được cho là sẽ thúc đẩy hai nhiệm vụ quan trọng trong dịp gặp gỡ các đối tác châu Á. Đó là đẩy nhanh việc hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tái khẳng định vai trò của Washington trong việc duy trì an ninh khu vực, theo Rajiv Biswas, nhà phân tích chuyên về châu Á - Thái Bình Dương tại chuyên trang quốc phòng IHS.
Rajiv Biswas cho rằng trong khi Mỹ tiếp tục chính sách xoay trục về châu Á và một số nước ASEAN tìm kiếm việc tăng cường quan hệ với Washington, thì hai bên có thể tăng cường hợp tác quốc phòng.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nói với AFP rằng ông Obama dự kiến sẽ nêu bật vai trò lãnh đạo của Mỹ trong giải quyết các tranh chấp lãnh hải ở khu vực này.
"Việc theo dõi xem Obama có thể hoàn thành việc gì tại ASEAN là một diễn biến thú vị. Liệu giọng điệu nào sẽ được tổng thống Mỹ đưa ra về các vấn đề lớn, đặc biệt sau khi Trung Quốc và Nga có vẻ như tăng cường quan hệ", tờ Rappler nhận định.
Khó có đột phá
Dù được coi là chủ đề chính tại các thảo luận tại Cấp cao ASEAN và Cấp cao Đông Á (EAS) nhưng một số học giả cho rằng thảo luận Biển Đông sẽ không đạt được bước đột phá nào trong dịp này. Kết quả cao nhất là các nước kêu gọi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp.
"Tôi không thấy có bất cứ đột phá nào tại Naypyidaw hay trong thời gian trước mắt. Hãy đối diện với thực tế rằng tranh chấp ở Biển Đông là một vấn đề phức tạp và ASEAN đang phải đối phó với Trung Quốc, một cường quốc của châu Á và của cả thế giới", một nhà ngoại giao giấu tên nói với AFP.
Các nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc gần đây tăng đoàn cấp cao sang thăm Việt Nam, sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, không có nghĩa là Bắc Kinh thay đổi chiến lược ở Biển Đông.
Ông Carl Thayer, chuyên gia về an ninh tại học viện Quốc phòng Australia nói: "Trung Quốc thường tiết chế cách hành xử của mình trước các hội nghị cấp cao ASEAN. Một số người cố gây ấn tượng trong các cuộc họp thượng đỉnh cuối năm, nhưng không có tiến triển đáng kể nào xảy ra".
Đề cập tới sự cải thiện giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN có tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài VOA ngày 11/11: "Chúng ta thấy có khoảng cách lớn hơn giữa các cam kết chính trị và các hành động thực tế. Tôi muốn nói tới tình hình thực tế trên biển. Và đó là thách thức mà chúng ta phải vượt qua".
Bộ trưởng Thông tin Myanmar Ye Htut bày tỏ: "Trông đợi của chúng tôi trong cuộc họp thượng đỉnh này là tất cả các nước có thể nhất trí về việc làm sao thực hiện được bộ Quy tắc COC càng sớm càng tốt".
Đề cập tới bản dự thảo tuyên bố mới bị rò rỉ, trong đó đề cập đến vấn đề Biển Đông, ông U Aung Lin, Tổng giám đốc Cơ quan các vấn đề ASEAN của Myanmar khẳng định nước này sẽ không sửa bản dự thảo này vì đã được tất cả các nước thảo luận và thông qua.
Dự thảo tuyên bố của ASEAN bị lộ
Khánh Lynh