Giữa trưa tháng 6, xưởng cơ khí nằm ven quốc lộ 12B của ông Dung ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô đông khách đến đặt hàng. Vừa xuất xưởng máy thu hoạch lạc, ông vội trở vào nhà xưởng rộng chừng 200 m2 để hoàn thiện chiếc máy bơm nước đa năng theo đơn đặt hàng của một nông dân ở miền Trung.
Sinh ra trong gia đình đông anh em ở vùng quê thuần nông Yên Mạc, ông Dung học chưa hết lớp 5 trường làng. Thời trai trẻ, ông bôn ba nhiều nơi, làm nhiều nghề nhưng không có nghề nào yêu thích như sửa xe máy. "Máy móc, dầu mỡ như cái duyên vận vào thân đã hơn 20 năm rồi", ông Dung nói.
Năm 2005, Yên Mạc mưa lớn đúng lúc người dân thu hoạch lúa đông xuân. Ruộng đồng ngập lụt, máy gặt không thể tiếp cận, nông dân phải dầm mình dưới bùn lầy vác từng bó lúa lên bờ. Chứng kiến bà con cực nhọc dưới đồng sâu, ông Dung nảy ra ý tưởng làm máy tời lúa từ động cơ xe máy cũ.
Ông tìm hiểu nguyên lý vận hành của máy tời đang có trên thị trường, từ đó chế tạo ra sản phẩm riêng phù hợp thực tế sản xuất của địa phương. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, ông cứ tháo ra lắp vào nhiều lần nhưng vẫn thất bại. Nhiều người khuyên ông dừng "ý tưởng viển vông", tránh lãng phí tiền của, công sức. Người thân cũng lo lắng khi thấy số tiền bỏ ra lớn mà không thu lại kết quả.
Sau hơn hai tháng kiên trì, ông chế tạo thành công chiếc máy tời lúa "made in Vũ Văn Dung". Đem ra đồng thực nghiệm, máy đem lại hiệu quả bất ngờ. Chỉ dùng một tời kéo có thể vận chuyển xong ba sào lúa trong vài chục phút thay vì phải mất cả buổi. Máy gọn nhẹ, di chuyển thuận tiện, lại được thiết kế thêm đường ống để biến thành máy bơm nước khi cần.
Sản phẩm đầu tiên được bà con ủng hộ nhiệt tình, trở thành nông cụ bán chạy nhất lúc bấy giờ ở địa phương. Trong một năm, hàng trăm máy tời được bán ra, vừa giảm sức lao động của nông dân vừa mang tới nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Dung.
Thành công đó tiếp thêm động lực để ông theo đuổi công việc chế tạo máy. Năm 2015, ông làm ra máy cấy bằng vật liệu tận dụng từ những chiếc xe máy, xe đạp hỏng. Ông giải thích nhà có 5 sào lúa, nghề sửa chữa xe máy chiếm hết thời gian nên ông không thể giúp vợ việc đồng áng. Thấy vợ quanh năm vất vả, nhất là vào mỗi vụ cấy nên ông nung nấu ý tưởng chế tạo máy cấy lúa thay cho sức người.
Ông tìm kiếm tài liệu trên mạng, vẽ mô hình, bộ phận máy cấy kín đặc cuốn vở học sinh, cứ vẽ xong lại xóa vì không ưng ý. Nhiều đêm chợt nảy ý tưởng, ông bật dậy ghi chép, phác thảo. Sau hai năm nghiên cứu, chiếc máy cấy không động cơ cũng ra đời. Ông Dung đem máy ra thửa ruộng nhà mình cấy thử, năng suất gấp 5 lần cấy tay. Người điều khiển có thể chỉnh tốc độ nhanh chậm theo ý muốn.
Ưu điểm của máy là không tốn nhiên liệu, mạ cấy thẳng hàng, khoảng cách giữa các gốc mạ được cố định 18 cm. Máy chỉ nặng 25-30 kg nên dễ vận chuyển, sửa chữa, sử dụng được trên nhiều loại đồng đất với năng suất cấy một sào mỗi giờ.
Bà con trong vùng đến xem ngạc nhiên, hỏi mua ngay những máy đầu tiên xuất xưởng. Ông Dung làm thêm hàng trăm sản phẩm bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, giá mỗi chiếc 4 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 2 triệu.
Máy cấy không động cơ giúp ông Dung được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vinh danh là một trong 17 nông dân có sáng chế, sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông cũng đoạt giải Khuyến tài (Nhân tài Đất Việt năm 2017), giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ 8 với sản phẩm máy cày đa chức năng.
Hiện ngoài máy cấy lúa, ông Dung còn tận dụng động cơ xe máy, xe điện cũ để chế tạo máy bơm nước, máy kéo, máy thái chuối, máy vặt lạc...
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch xã Yên Mạc, đánh giá nông cụ do ông Vũ Văn Dung chế tạo phù hợp với đồng đất Việt Nam và thường rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. "Ông là tấm gương sáng về tinh thần học tập, say mê sáng tạo", ông Việt nói.
Hiện xưởng cơ khí của ông Dung có ba lao động làm việc với thu nhập ổn định. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm ông có doanh thu gần 500 triệu đồng.