Trục quay của bất kỳ vật thể nào đều chịu ảnh hưởng từ sự phân bố trọng lượng của nó. Sự phân bố trọng lượng của Trái Đất luôn luôn thay đổi bởi lớp lõi nóng chảy của hành tinh và sự biến dạng bề mặt. Nước là yếu tố quan trọng có sức ảnh hưởng lớn bởi quá nặng. Trong hai thập kỷ qua, hai vệ tinh siêu nhạy của NASA là Gravity Recovery và Climate Experiment (GRACE) đã phân tích sự phân bố trọng lượng này, nhưng các quan sát chỉ mới bắt đầu từ năm 2002.
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters, các nhà khoa học đặc biệt tập trung vào thay đổi ở trục nghiêng của Trái Đất trong thập niên 1990, trước khi có dữ liệu vệ tinh. Họ dựa vào những quan sát về nước, bao gồm kết quả đo khối lượng băng mất đi và dữ liệu về nước ngầm được bơm để phục vụ nhu cầu sử dụng của con người, kết hợp với nghiên cứu về sự trôi dạt của cực Trái Đất, theo thông báo của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ (AGU).
Theo nghiên cứu, từ năm 1995 đến 2020, tốc độ di chuyển của cực Trái Đất tăng khoảng 17 lần so với tốc độ trung bình trong thời gian từ năm 1981 đến 1995. Kết hợp với dữ liệu nước, các nhà nghiên cứu nhận thấy phần lớn hoạt động di chuyển của các cực được thúc đẩy bởi hiện tượng mất nước ở vùng cực, cụ thể là băng tan chảy trên đất liền và đổ ra đại dương, và một phần nhỏ do con người bơm nước ngầm để sử dụng.
Theo AGU, dữ liệu và phương pháp nghiên cứu mới có thể giúp các nhà khoa học theo dõi chuyển động của nước trước khi có dữ liệu vệ tinh về sự thất thoát băng và hoạt động sử dụng nước ngầm. Phát hiện cung cấp gợi ý để tìm hiểu chuyển động của cực Trái Đất dưới tác động của biến đổi khí hậu, theo Suxia Liu, nhà khoa học thủy văn ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đồng tác giả nghiên cứu.
An Khang (Theo Space)