Các nhà khoa học nghiên cứu lại những hài cốt được khai quật ở nghĩa địa cổ đại Jebel Sahaba, thung lũng sông Nile, miền bắc Sudan, từ những năm 1960 và phát hiện họ không phải cùng chết trong một trận chiến, Daily Sabah hôm 31/5 đưa tin. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Scientific Reports.
Trong số 61 hài cốt gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, 41 hài cốt có dấu tích của ít nhất một vết thương, chủ yếu do các loại vũ khí phóng như lao hay tên. Một số vết thương đã lành, đồng nghĩa những người này sống sót sau trận chiến. 16 người có cả vết thương cũ lẫn mới, nghĩa là họ sống sót qua trận chiến này nhưng lại chết trong trận chiến khác. Cuộc nghiên cứu từ những năm 1960 chỉ xác định được 20 hài cốt mang thương tích, trong đó không có vết thương nào đã lành.
Những cuộc ẩu đả bừa bãi ảnh hưởng đến đàn ông và phụ nữ như nhau, thậm chí trẻ em mới 4 tuổi cũng bị thương, theo nhà cổ nhân loại học Isabelle Crevecoeur tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, tác giả chính của nghiên cứu. "Có vẻ một trong những cách thức chính để gây chết người là chém và làm mất máu", Crevecoeur nói.
Lao và mũi tên là vũ khí phóng từ xa. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy dấu tích cận chiến. Một số hài cốt có vết thương ở cánh tay do giơ tay lên bảo vệ đầu và vết gãy xương bàn tay.
Các hài cốt ở nghĩa địa Jebel Sahaba có niên đại 13.400 năm. Vào thời điểm này, nông nghiệp chưa ra đời. Cư dân ở thung lũng sông Nile săn bắt cá, động vật có vú, nhặt nhạnh rễ và những bộ phận khác của cây. Họ sống thành từng nhóm nhỏ, có lẽ không quá 100 người.
Việc xác định nguyên nhân của các cuộc xung đột rất khó. Tuy nhiên, đây là thời kỳ thung lũng sông Nile trải qua biến đổi khí hậu từ khô hạn sang ẩm ướt hơn, đồng thời xảy ra những đợt lũ nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến sự cạnh tranh tài nguyên và lãnh thổ giữa các nhóm người.
"Khác với một trận chiến cụ thể hoặc chiến tranh ngắn, bạo lực ở đây dường như xảy ra thường xuyên và là một phần trong cuộc sống hàng ngày", Daniel Antoine, đồng tác giả nghiên cứu, người phụ trách khảo cổ sinh học tại Bảo tàng Anh ở London, cho biết.
Nghĩa địa Jebel Sahaba hiện đã chìm dưới hồ Nasser, hồ chứa nước lớn do con người xây dựng. Đây là khu nghĩa địa cổ xưa nhất tại thung lũng sông Nile và cũng là một trong những nghĩa địa cổ xưa nhất châu Phi. Các hài cốt hiện được bảo quản tại Bảo tàng Anh.
Thu Thảo (Theo Daily Sabah)