Các lục địa trên Trái Đất ở trạng thái thay đổi liên tục dù rất chậm. Vỏ Trái Đất được chia thành các mảng kiến tạo dịch chuyển phía trên lớp phủ trên bán lỏng, dẫn tới sự tái sắp xếp từ từ của lục địa và hình thành những đặc điểm địa chất đa dạng qua nhiều thời đại. Cách bố trí lục địa hiện nay như châu Phi, đại lục Á Âu, châu Mỹ... chỉ mang tính tạm thời. Cấu hình lục địa thay đổi đáng kể trong quá khứ và sẽ tiếp tục tiến hóa trong tương lai tùy theo chuyển động của mảng kiến tạo, theo IFL Science.
Mối đe dọa lớn đối với biển Địa Trung Hải là sự va chạm từ từ của mảng châu Phi (Nubian) vào mảng Á Âu. Bắt đầu khoảng 100 triệu năm trước, hai mảng bắt đầu đồng quy, dần dần khép kín những bồn địa đại dương nằm giữa chúng. Bản thân dãy núi Alps ở châu Âu là kết quả của quá trình va chạm đó.
Các thay đổi địa chất diễn ra trên khung thời gian hàng triệu năm, vì vậy tốc độ dịch chuyển chỉ cỡ vài miminet một năm. Tuy nhiên, biển Địa Trung Hải có thể bị kẹp giữa hai mảng kiến tạo trong lúc siêu lục địa mới hình thành. Châu Âu sẽ trượt xuống phía dưới mảng châu Phi và vùng biển này sẽ ngừng tồn tại.
Đây chỉ là một dự đoán khả thi về cách các mảng kiến tạo của Trái Đất dịch chuyển. Dự đoán cấu hình của siêu lục địa tương lai rất khó khăn do bản chất phức tạp và năng động của mảng kiến tạo, cũng như khung thời gian liên quan. Tuy nhiên, dữ liệu trong lịch sử cho thấy biển Địa Trung Hải nằm ở vị trí không ổn định. Cách đây khoảng 5,97 triệu năm, một sự kiện gọi là khủng hoảng mặn Messinian xảy ra biến Địa Trung Hải thành bồn địa muối rộng lớn trong nửa triệu năm.
Biến động ở mực nước biển khiến Đại Tây Dương không thể chảy vào biển Địa Trung Hải qua eo biển Gibraltar, làm gián đoạn nguồn cung cấp nước thiết yếu. Vùng Địa Trung Hải đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi thay đổi do nằm ở khung vực tương đối ấm và khô nên nước biển bay hơi rất nhanh.
An Khang (Theo IFL Science)