Bệnh nhân mắc bệnh gout đã hơn 20 năm. Ông thường xuyên uống rượu bia, ăn uống, sinh hoạt không khoa học, khối u ở các khớp phát triển ngày càng lớn. Các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân, bàn chân, khớp ngón tay, khuỷu tay, đau nhức dữ dội.
Bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Quốc tế Vinh, bác sĩ chẩn đoán u phần mềm tứ chi do gout. Các khối u cứng chứa tinh thể urat (còn gọi là hạt tophi) xâm lấn gây tổn thương các khớp, dẫn tới biến dạng khớp bàn tay, bàn chân.
Các bác sĩ đã phẫu thuật bóc các khối u do hạt tophi tại mu hai bàn chân, mu bàn tay phải, khuỷu trái cho bệnh nhân. Bác sĩ Trần Văn Thuyên, Trưởng Khoa Ngoại, cho biết bệnh nhân có thể gặp các di chứng sau phẫu thuật như cứng khớp, hạn chế vận động các khớp hai tay, hai chân.
Người bệnh cần phải trải qua một đến hai lần phẫu thuật nữa để lấy hết các khối u do gout.
Gout là bệnh lý rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Những yếu tố làm tăng nguy cơ gout như ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm (hải sản, nội tạng động vật, trứng...); sử dụng chất kích thích, uống rượu bia thường xuyên; thừa cân, béo phì; mắc bệnh lý về thận, tim mạch hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh gout.
Bệnh gout nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, hiệu quả có thể gây các biến chứng như viêm khớp, ảnh hưởng chức năng vận động các khớp, thậm chí suy thận, tàn phế...
Triệu chứng lâm sàng thường gặp là các khớp có dấu hiệu sưng đỏ, viêm, cảm giác nóng quanh khớp, chạm vào đau nhức dữ dội, nhất là vào buổi tối, hạn chế vận động. Cơn đau thường kéo 5-7 ngày, sau đó giảm dần, khi hết đau thì khớp hoạt động trở lại bình thường. Sức khỏe bệnh nhân giảm sút, kém ăn, sốt nhẹ, ớn lạnh.
Bác sĩ khuyến cáo cần duy chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học, tập luyện thể thao đẩy lùi bệnh tật. Khi có các dấu hiệu, người bệnh cần đến bệnh viện khám, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Thùy An