Thấy con trai 8 tuổi đòi mua "đồ long đao", chị Liên, 34 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, hoang mang không biết trò chơi này là gì. Lên mạng tìm hiểu, chị ngạc nhiên khi biết đây là trò chơi nguy hiểm nhưng lại rất thu hút trẻ em, thậm chí trở thành trào lưu, thử thách "chơi có thưởng". Các trang bán hàng trên mạng giao bán từ 49.000 đến 75.000 đồng một sản phẩm, kèm theo hình ảnh và clip minh họa. Khuyến nghị của hãng sản xuất là dành cho người chơi từ 18 tuổi, nhưng trong thực tế, sản phẩm này được nhiều thanh thiếu niên, thậm chí trẻ em tiểu học sử dụng.
Đơn cử, hồi cuối tháng 10, một bé trai ở Hà Nội phải cấp cứu tại Bệnh viện E do tham gia thử thách bẻ "đồ long đao" 30 kg tại trường. Trẻ được đưa đến Bệnh viện E trong tình trạng mặt sưng nề, bầm tím nhiều vùng mũi, biến dạng lõm mũi phải, vỡ mũi. Kết quả chụp CT hàm mặt xác định có tổn thương gãy xương mũi phải. Các bác sĩ phẫu thuật nắn chỉnh mũi cho bé, hiện đã xuất viện nhưng nguy cơ di chứng do vùng mũi bị vỡ.
Chị Liên cho biết một người bạn của chị có con chơi thanh sắt này, cũng bị sản phẩm đập vào mặt, bầm tím toàn bộ vùng mắt, phải nghỉ học nhiều ngày để điều trị, khiến người phụ nữ càng lo lắng.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc, giảng viên Bộ môn Ngoại, Khoa Y Đại học Nguyễn Tất Thành, cho biết "đồ long đao" thực chất là thanh tạ siết lực. Đây là một dụng cụ để rèn luyện sức khỏe, nhất là cơ bắp, có thể tập ở mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến phòng tập. Nếu được sử dụng đúng, nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Ngày nay, dụng cụ này được cải tiến để có sức nặng lớn hơn, tăng hiệu quả tập luyện. Ngoài thanh tạ 5 kg, mọi người có thể lựa chọn thanh 20 kg, 30 kg, thậm chí 100 kg. Tuy nhiên, "một bộ phận giới trẻ lại sử dụng sai mục đích, nhằm cố thỏa mãn cái tôi cá nhân, khiến nhiều trường hợp phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình", bác sĩ nói. Thậm chí có những người bán đồ long đao cho trẻ em để kinh doanh dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
Nguyên nhân khiến trào lưu này phổ biến là đánh trúng vào tâm lý giới trẻ muốn được công nhận, thể hiện bản thân. Nhiều trẻ tò mò hoặc bị lôi kéo, không được gia đình quản lý, hướng dẫn, ông Lộc nhận định.
Cùng quan điểm, huấn luyện viên thể hình Đinh Thị Bích, Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao Hoàng Mai, cho rằng bộ môn này cần có hướng dẫn và tập luyện dần từ thanh nhỏ đến thanh lớn. Tùy cân nặng, chiều cao của từng người, huấn luyện viên sẽ hướng dẫn sử dụng thanh đao phù hợp để hạn chế chấn thương.
Tai nạn thường gặp nhất khi sử dụng đồ long đao là dùng không đúng kỹ thuật dẫn tới tuột tay, lò xò đập ngược lại về phía người cầm. Một số trường hợp chấn thương vùng mặt, đầu, cổ, gãy xương cánh tay, bả vai, rách cơ.
"Tập thể thao cần thời gian và sự thích nghi, không nên dục tốc mà rước họa vào thân", nữ huấn luyện viên nói.
Bác sĩ khuyến cáo gia đình, nhà trường cần giáo dục trẻ em không được sử dụng dụng cụ nguy hiểm hay tham gia trào lưu độc hại. Ngoài ra, nên thường xuyên nói chuyện nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết để trẻ biết cách bảo vệ mình.
Thùy An