Bố mẹ của chàng trai 29 tuổi ở xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương có xưởng mộc, chuyên đóng bàn ghế, giường tủ dân dụng. Từ nhỏ Huy đã biết cầm giấy ráp chà gỗ cho bố và quen tiếng máy khoan, đục nhưng không định theo nghề bởi thấy vất vả, thu nhập thấp.
Lớn lên, Huy thử nhiều công việc khác nhau, từ buôn bán, cắt tóc đến đi làm thuê nhưng chưa tìm được niềm yêu thích.
![Mô hình khủng long chế tác từ gỗ lũa nặng tới hơn 120kg được anh Huy làm trong năm 2024 và bán với giá hàng chục triệu đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/01/16/z6218816585030-38de559748d6885-7738-3673-1736966617.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UDCCvq8M_RkvygY2QMPEzA)
Mô hình khủng long chế tác từ gỗ lũa nặng tới hơn 120kg được anh Huy làm trong năm 2024 và bán với giá hàng chục triệu đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm 2020, Huy tình cờ nhìn thấy mô hình "trông giống gỗ như xù xì, xấu xí" đặt trong bể thủy sinh của người anh họ nên thử tìm hiểu. Nhưng ở Việt Nam không có lớp dạy bài bản, anh tìm đọc tài liệu trên Internet và xem video chế tác gỗ lũa của các nghệ nhân nước ngoài.
Vừa học, Huy vừa đi nhặt gỗ lũa, gốc tre già khắp nơi về tập làm tiểu cảnh. Toàn bộ ý tưởng, mẫu mã sản phẩm anh phác họa trước trong đầu, sau mới thực hiện. Để các mảnh gỗ hợp nhất, Huy dùng keo trộn mùn cưa để tạo chất kết dính. Mỗi tác phẩm tốn 10-15 ngày hoàn thiện.
Thử đăng ảnh chụp sản phẩm đầu tiên lên mạng xã hội, anh bất ngờ nhận được đơn đặt hàng.
Dù có thu nhập nhưng chàng trai khi đó mới 25 tuổi bị người dân quanh thôn nói gàn dở bởi tạo ra những hình thù "chẳng giống ai" từ những mảnh củi mục. Bố mẹ cũng khuyên con trai tìm công việc ổn định hoặc nối nghiệp gia đình.
"Còn khách đặt là tôi còn làm. Cứ kiên trì theo nghề biết đâu sống được", Huy kể. Từ đó, anh một mình đẽo, đục và tự ghép những mảnh gỗ xù xì, khô cứng để tạo ra sản phẩm độc lạ.
![Anh Huy ngồi trong xưởng gỗ của gia đình ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên để chế tác sản phẩm độc lạ từ gỗ lũa. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/01/16/z6218816513504-8977e772a8615be-3963-7819-1736966617.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2C5R6vUEwVkgj3Fg9pZPiQ)
Anh Huy ngồi trong xưởng gỗ của gia đình ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên để chế tác sản phẩm độc lạ từ gỗ lũa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ban đầu anh làm tiểu cảnh gỗ lũa trang trí trong bể cá, giá bán 200.000-300.000 đồng. Khi đơn đặt hàng tăng, anh tìm mối cung cấp gỗ lũa trong miền Nam.
Càng làm, càng thấy đường vân gỗ tự nhiên rất đẹp, có độ uốn lượn, mềm mại, Huy thử tạo hình các con vật như chim, cá, công, phượng cho đến mô hình người máy, khủng long ghép từ hàng nghìn mảnh gỗ lũa khác nhau. Không ít sản phẩm nặng đến một, hai tạ, người lớn có thể ngồi, cưỡi trên lưng.
Khoảng một năm gần đây, anh dừng làm tiểu cảnh, chuyên tâm tạo hình độc lạ, từ loại cao vài chục cm đến gần 3 mét bởi nhu cầu tăng cao. Khách đặt hàng để trang trí sân vườn hoặc đặt trong phòng khách.
Nhưng tạo hình động vật độc lạ từ gỗ lũa không dễ dàng. Huy nói khó nhất là công đoạn lên ý tưởng và chọn gỗ phù hợp với từng bộ phận. Ví dụ như để tạo hình hươu, anh phải xem hàng chục hình ảnh khác nhau của con vật ở mọi góc độ để hiểu rõ về cấu tạo, hình dáng. Sau tốn cả ngày chọn gỗ và ghép hình. Tùy độ khó dễ, to nhỏ mỗi tác phẩm tốn từ 2-15 ngày thực hiện.
Sau bốn năm theo nghề tạo hình từ gỗ lũa, Huy đã chế tác gần 400 sản phẩm khác nhau, giá mỗi mô hình dao động từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. Nhiều khách yêu cầu chế tác cùng một con vật nhưng anh khẳng định "không tác phẩm nào trùng nhau".
"Mỗi mảnh gỗ lũa chỉ có một hình dáng duy nhất lại được làm thủ công nên làm cả trăm mô hình tôi vẫn luôn tạo ra tác phẩm độc nhất", Huy nói.
Khách đặt hàng của anh Huy chủ yếu ở miền Nam, một số ít từ nước ngoài. Họ có thể đưa mẫu sẵn để bắt chước hoặc người thợ được thỏa sức sáng tạo.
![Một mẫu vật chế tác từ gỗ lũa được Huy hoàn thiện đầu năm 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/01/16/z6229764792810-93d0bed409782f3-2690-4426-1736966617.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PNPyd-rwoiraCMgry6SCYw)
Một mẫu vật chế tác từ gỗ lũa được Huy hoàn thiện đầu năm 2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hầu hết mô hình đều gửi đi xa nhưng không gãy, rụng bởi cố định chắc bằng keo chuyên dụng và bắt vít inox. Còn như trước đây gắn bằng hỗn hợp keo trộn mùn cưa rất lỏng lẻo, dễ bị trả về khi gỗ gãy, rụng.
Ngoài tận dụng độ đậm nhạt tự nhiên của gỗ để tác phẩm thêm sinh động, một số mô hình công, phượng, rồng anh Huy cũng sơn màu, tạo điểm nhấn. Bên cạnh đó, người chế tác phải lựa chọn kỹ các mảnh gỗ khắc họa được vẻ mặt, đôi mắt để tạo thần thái, hồn cốt của con vật.
Khi đơn hàng tăng cao, nhiều thời điểm anh Huy phải từ chối hoặc kéo dài thời gian bởi chỉ có em họ trợ giúp. Giải thích lý do không thuê thêm người, anh nói công việc thiên về tính sáng tạo, chỉ dạy các bước cơ bản như chọn gỗ, gắn keo, tạo hình. Riêng việc phác họa ra hình dáng lại phụ thuộc vào tài năng của từng người.
Trong năm 2025, chàng trai 29 tuổi muốn mở một điểm trưng bày các tác phẩm độc lạ chế tác từ gỗ lũa, để người chung sở thích được đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.
"Thay vì chỉ ngắm các tác phẩm qua ảnh, tôi muốn có một nơi để mọi người được đến tham quan và có cái nhìn chân thực nhất", anh Huy nói.
Quỳnh Nguyễn