Tìm hiểu trên mạng xã hội, Nhung chọn một cơ sở thẩm mỹ viện tại Hà Nội có thực hiện dịch vụ nâng mũi ở TP HCM. Trang thông tin của cơ sở này đăng nhiều quảng cáo "có cánh", nhiều nick giới thiệu review tốt. Nhung đặt cọc 2 triệu đồng với thỏa thuận chủ cơ sở thẩm mỹ này vào TP HCM thực hiện phẫu thuật nâng cao sống mũi (S-line) cho cô. Gói nâng mũi mà Nhung được tư vấn giá 50 triệu đồng, vào ngày phẫu thuật nâng mũi sẽ đóng 20 triệu, sau khi cắt chỉ trả nốt số tiền còn lại.
"Theo nhân viên tư vấn thì cơ sở này nằm trong tòa nhà 81 tầng, mình nghĩ là thẩm mỹ viện lớn, nhưng khi đến chỉ là căn phòng nhỏ như phòng ngủ nằm trong một căn hộ, có 2 giường để thực hiện phẫu thuật", Nhung kể lại.
Khi đưa Nhung đến nâng mũi, chồng của cô can ngăn và cảnh báo" đây có thể là cơ sở chui", cô vẫn quyết định phẫu thuật mặc dù không được cơ sở thẩm mỹ tư vấn kỹ quy trình tiến hành thủ thuật. 30 phút sau nâng mũi, cô thuê ôtô về nhà để tránh xốc khi đi đường, kiêng cữ trong ăn uống và sinh hoạt. Bốn ngày sau mũi bắt đầu chảy dịch.
Nhung chia sẻ về trải nghiệm bị biến chứng sau nâng mũi
Như cho biết tại thời điểm cô đến cơ sở này để hút dịch mũi, khoảng 3-4 người cũng bị hỏng mũi như mình đang được cho uống kháng sinh và hút dịch, nếu mũi vẫn đỏ và đau buộc phải tháo sụn. Nhung hút dịch xong, đến ngày thứ 6 dịch mũi lại chảy ra, viêm sưng nhiều hơn. Đến ngày thứ 7 Nhung đến bệnh viện để khám, bác sĩ chẩn đoán mũi bị nhiễm trùng đường chân chỉ, ngày thứ 9 Nhung được bác sĩ cắt chỉ và rút sụn ra khỏi mũi.
"Lúc tháo sụn, do mũi đang nhiễm trùng nặng nên bác sĩ không gây tê, phải rạch mũi để lấy sụn, cảm giác lúc đó rất đau đớn và ám ảnh", Nhung nhớ lại.
Cô đã chi phí hơn 20 triệu đóng cho cơ sở thẩm mỹ, gần 10 triệu tiền thuốc kháng sinh và điều trị tháo mũi, đau đớn ám ảnh cả thể xác và tinh thần. Đây là trải nghiệm được Nhung chia sẻ "không bao giờ quên".
Chị Nhung kể lại cảm giác đau đớn khi phải tháo sụn mũi
Tình (23 tuổi, Hà Nội) cũng có những trải nghiệm "nhớ đời" trong lần đầu nâng mũi. Sau 4 năm ấp ủ dự định, tháng 7/2020 Tình quyết định thực hiện nâng mũi, do một "bác sĩ" 27 tuổi, tiến hành. Tình được người quen giới thiệu "bác sĩ" này. "Tin lời người này nên mình quyết định đóng tiền nâng mũi. Sau này mới biết họ giới thiệu bác sĩ để nhận được hoa hồng", Tình nói.
Địa điểm bác sĩ này tiến hành phẫu thuật là một căn hộ ở chung cư HPC Landmark, Hà Nội. Tình cho biết quá trình nâng mũi diễn ra khoảng 90 phút, cô không được thăm khám trước khi phẫu thuật. "Mũi là vị trí mặt tiền trên gương mặt nên khi bị hỏng, ngoài đau đớn do viêm mũi, mình còn stress rất không ăn uống được, tinh thần căng thẳng", Tình chia sẻ.
Theo Tình, sau khi bị tai biến cô mới biết người thực hiện phẫu thuật cho mình trước làm thợ cắt tóc, sau học về phẫu thuật nâng mũi và mở dịch vụ nâng mũi. Cô chưa từng thấy chứng chỉ hành nghề bác sĩ hay giấy phép tạo hình thẩm mỹ nâng mũi của những cơ sở này.
Chia sẻ của Tình sau khi gặp biến chứng nâng mũi và uống kháng sinh liên tục trong 2 tháng
Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hữu Thịnh (Quản lý và Điều hành Khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) cho biết những biến chứng sau nâng mũi thường do vật liệu không phù hợp, có thể là vật liệu silicon hoặc vật liệu tự thân. Hoặc, quá trình phẫu thuật mũi được nâng quá cao, quá mức chỉ định dẫn thiếu da, thiếu máu nuôi, sẹo co rút hoặc lồi. Nguyên nhân thứ ba là nhiễm trùng.
Trường hợp không may bị nhiễm trùng cần phải tháo vật liệu sớm. Một số cơ sở cho bệnh nhân uống kháng sinh kéo dài, gây biến chứng nặng nề bên trong, chảy dịch, trồi sống mũi ra ngoài, vật liệu nâng có thể bị đẩy ra trong mũi hoặc ở ngoài mũi nhìn thấy được.
"Nếu thực hiện dịch vụ nâng mũi tại những cơ sở chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ được cấp phép thì tỷ lệ biến chứng rất nhỏ, dưới 1%", bác sĩ Thịnh chia sẻ. Theo bác sĩ, trong phẫu thuật nâng mũi, có hai kỹ thuật vô cảm là gây tê và gây mê. Nâng mũi gây tê thì có thể được thực hiện tại các phòng khám tạo hình thẩm mỹ chuyên khoa do Sở Y tế cấp phép, còn cần gây mê phải tiến hành ở các chuyên khoa của bệnh viện.
Để nâng mũi an toàn, nên chọn phòng khám chuyên khoa tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện. Nếu là phòng khám sẽ có bảng hiệu "Phòng khám chuyên khoa Tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ" do bác sĩ đứng tên chính, có chứng chỉ hành nghề kèm giấy phép hoạt động của Sở Y tế và danh mục các dịch vụ được cấp phép. Để biết thông tin trên bảng hiệu là thật hay giả, người dùng có thể lên trang web Sở Y tế tra tên bác sĩ sẽ có thông tin.
Nên gặp trực tiếp bác sĩ sẽ phẫu thuật cho mình để tham vấn thay vì chỉ gặp tư vấn viên hoặc bác sĩ không trực tiếp mổ. Trong cuộc trao đổi với bác sĩ, người nâng mũi sẽ trình bày nhu cầu muốn mũi như thế nào, cao, thấp, có uốn lượn hay không, đầu mũi thế nào... Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ tư vấn sẽ chọn phương pháp và vật liệu nâng mũi phù hợp, chuẩn bị các phương án xử trí trong trường hợp rủi ro có biến chứng, quyết định phương thức gây mê hay gây tê, vị trí sẹo nằm ở đâu, bao nhiêu % là sẹo lồi, bệnh nhân có dị ứng vật liệu hay không...
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Lê Cầm