Bác sĩ Lê Thảo Hiền (Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM), cho biết bệnh nhân bị loét nặng kèm nhiễm trùng sau peel quầng vú. Sau một tuần điều trị, tình trạng nhiễm trùng cải thiện nhưng nguy cơ để lại sẹo mất sắc tố.
"Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng khả năng do nhân viên spa chọn hóa chất peel có nồng độ quá mạnh, quy trình thực hiện không đảm bảo và không tư vấn cách chăm sóc da sau đó", bác sĩ Hiền chia sẻ.
Theo bác sĩ Hiền, peel da (tái tạo da bằng hóa chất) là phương pháp lột da bằng hóa chất nhằm điều trị các vấn đề như sạm da, mụn trứng cá, sẹo mụn... Nếu thực hiện sai kỹ thuật, chọn sai hóa chất hoặc không biết cách chăm sóc da sau peel thì nguy cơ xảy ra tai biến rất cao. Các tai biến có thể gặp bao gồm nhiễm trùng, loét da, viêm da tiếp xúc kích ứng, thâm da và nặng hơn có thể để lại sẹo lồi hoặc sẹo mất sắc tố.
Trên mạng xã hội hiện có nhiều quảng cáo "làm hồng nhũ hoa" bằng cách sử dụng kem bôi, gel lột, phun xăm thẩm mỹ, laser... Theo bác sĩ Hiền, các phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong đó, cách phun xăm thẩm mỹ màu đỏ hoặc màu hồng có nguy cơ dị ứng rất cao.
Để điều trị quầng thâm vú bằng phương pháp peel da, bác sĩ da liễu sẽ căn cứ vào tình trạng thâm để chỉ định hóa chất peel với nồng độ phù hợp. Sau khi peel, da trở nên sáng hơn, cần biết chăm sóc để tái tạo một làn da mới hồng hào, tươi sáng. Ngoài ra, laser cũng là một phương pháp phổ biến để điều trị thâm quầng vú. Quá trình này phải được bác sĩ có chuyên môn tư vấn và thực hiện tại cơ sở thẩm mỹ được cấp phép, tránh rủi ro.