Ngày 25/6, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Hội da liễu Việt Nam, cho biết bệnh nhân đến khám trong tình trạng vết sẹo lồi lớn, kích thức dài 8 cm, rộng 6 cm tại vùng ngực, vết sẹo cũ - mới chồng lên nhau chằng chịt gây ngứa nhức.
Người phụ nữ cho biết từng bị mụn trứng cá vùng ngực để lại sẹo lồi. Chị tới một spa gần nhà, được nhân viên tư vấn kỹ thuật điều trị sẹo "siêu tốc" một lần duy nhất, không đau, chi phí 30 triệu đồng bao gồm cả tiền thuốc để sử dụng liệu trình.
Sau khi cắt sẹo, nhân viên khuyên chị hàng ngày đến truyền để giảm đau và nhanh lành sẹo. Tuy nhiên, 10 ngày sau, sẹo ngứa và lồi lại, to gấp ba lần chỉ sau hai tháng.. Lúc này, chị quay lại thì spa đã đóng cửa.
Bác sĩ Tiến Thành nhận định bệnh nhân bị biến chứng sẹo lồi, chỉ định điều trị đa trị liệu. Hiện tại sau khoảng 4-5 buổi, người bệnh không còn đau nhức, ngứa, kích thức sẹo giảm trên 50%.
Sẹo lồi có thể xuất hiện ở vị trí bất kỳ nhưng thường gặp ở ngực, vai, lưng trên, trước xương ức, dái tai. Sẹo phát triển cao và rộng vượt ra ngoài thương tổn ban đầu, thường không thoái triển, điều trị khó, tỷ lệ tái phát cao. Sẹo lồi có màu hồng, nâu hoặc đỏ, mật độ mềm hoặc cứng, một số co kéo gây đau, giới hạn vận động.
Bác sĩ Thành khuyến cáo nếu cơ thể dễ bị sẹo lồi hoặc có người thân trong gia đình gặp phải tình trạng này, mọi người nên thận trọng: Không xỏ lỗ tai, xỏ khuyên trên cơ thể; không xăm mình, thủ thuật thẩm mỹ. Nếu muốn phẫu thuật, cần liên hệ bác sĩ da liễu kiểm tra da trước khi phẫu thuật để tránh nguy cơ gây sẹo lồi.
Bên cạnh đó, chăm sóc mọi vết thương ngay lập tức (dù vết thương nhỏ) để giúp da nhanh lành, giảm nguy cơ để lại sẹo. Hạn chế cào gãi, ma sát vào tổn thương sẹo. Nếu có vết sẹo lồi hay xấu, nên đến thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa, không điều trị tại các cơ sở không uy tín tránh "tiền mất tật mang".
Thúy Quỳnh