Phát ngôn viên Bộ Y tế Singapore hôm qua cho biết trong số các ca nhiễm nCoV tại nước này, 449 trường hợp được phát hiện nhiễm những biến chủng đáng lo ngại, bao gồm 428 người nhiễm biến chủng Delta. Singapore, nơi hiện ghi nhận 62.219 ca nhiễm và 34 người chết vì Covid-19, là một trong những nước hiếm hoi giải trình tự tất cả ca nhiễm nCoV.
Phát ngôn viên cho hay dựa trên những phân tích hiện tại, một số biến chủng nCoV, bao gồm Delta, "dễ lây lan hơn". "Các nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu đầy đủ hơn về các biến chủng. Chúng tôi sẽ điều chỉnh chiến lược phòng dịch khi có thêm thông tin", người phát ngôn nói.
Biến chủng Delta đã được phát hiện tại hơn 60 quốc gia trong vòng 6 tháng qua, kể từ khi được tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ. Ngày càng nhiều người lo ngại rằng nó có nguy cơ khiến đại dịch kéo dài tại một số nơi.
Singapore đã phản ứng quyết liệt bằng cách ban lệnh cấm hành khách từ Ấn Độ hồi tháng 4, đồng thời mở rộng cách ly tại những cơ sở do chính phủ chỉ định. Giới chức cũng yêu cầu hạn chế tụ tập, đóng cửa trường học và cấm dùng bữa trong không gian kín, nhằm kiềm chế virus.
Trong khi đó, toàn cầu đã ghi nhận 174.709.452 ca nhiễm nCoV và 3.761.073 ca tử vong, tăng lần lượt 412.111 và 11.539, trong khi 158.021.190 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia báo cáo 627.652 ca nhiễm và 3.536 ca tử vong vì Covid-19, tăng 5.566 và 76 trong 24 giờ qua. Chiến dịch tiêm chủng đại trà tại nước này hôm qua bắt đầu được triển khai lưu động, với xe tải vaccine Covid-19 đầu tiên trong số 40 chiếc dự kiến được bố trí trên các đường cao tốc trong vài tháng tới.
"Biện pháp này mở ra nhiều cơ hội tiêm chủng hơn cho công chúng, giúp giảm thiểu rủi ro", Puganesan Thiruselven, một trong hàng trăm người xếp hàng chờ tiêm vaccine gần xe tải ở Kuala Lumpur, cho biết. Chính phủ muốn triển khai những điểm tiêm chủng lưu động như vậy tại các khu vực người dân có thể gặp khó khăn khi đến trung tâm tiêm chủng.
Tính đến ngày 7/6, khoảng 2,5 triệu người tại Malaysia đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, tương đương gần 10% trong tổng số 32 triệu dân, trong bối cảnh đất nước đang đương đầu đợt bùng phát tồi tệ nhất, với tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người cao nhất Đông Nam Á. Chính quyền đã áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ chưa từng có để ngăn virus lây lan, cấm đi lại giữa các bang và hoạt động kinh tế không thiết yếu.
Thái Lan báo cáo thêm 2.662 ca nhiễm và 28 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 182.548 và 1.297. Nước này đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà vào ngày 7/6, giữa lúc làn sóng lây nhiễm thứ ba hoành hành. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm 6 triệu liều vaccine Covid-19 trong tháng này và 70% dân số trước cuối năm nay.
Chính phủ Thái Lan, đang vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát tồi tệ nhất từ khi đại dịch bắt đầu, phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng vì quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp và triển khai vaccine chậm chạp. Tính đến ngày 5/6, khoảng 4% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.239.350 ca nhiễm và 613.084 ca tử vong do nCoV, tăng 10.031 ca nhiễm và 353 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm qua quyết định nới lỏng khuyến nghị đi lại cho hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Nhật Bản, ngay trước thềm Thế vận hội Mùa hè. Cơ quan này giải thích rằng các thay đổi được đưa ra sau khi họ sửa đổi tiêu chí về những lưu ý y tế khi đi lại.
Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thành lập các nhóm chuyên gia với Canada, Mexico, Liên minh châu Âu (EU) và Anh, nhằm xác định cách tốt nhất để tái khởi động du lịch một cách an toàn sau 15 tháng chịu ảnh hưởng từ đại dịch.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết họ sẽ bắt đầu phân phối 80 triệu liều vaccine Covid-19 trên toàn thế giới từ nay đến cuối tháng 7, thông qua chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc phân phối trực tiếp. Theo điều phối viên của Bộ Ngoại giao về Phản ứng Chung Toàn cầu và An ninh Y tế Gayle Smith, đợt đầu gồm 25 triệu liều sẽ được gửi trước.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 29.088.176 ca nhiễm và 353.557 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 91.227 và 2.213 ca.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 7/6 cho biết chính phủ sẽ cung cấp vaccine Covid-19 miễn phí cho tất cả người trưởng thành từ cuối tháng này, quyết định được giới chức và chuyên gia y tế ca ngợi là bước đi đúng hướng. "Sau nhiều áp lực, ông ấy cuối cùng cũng lắng nghe chúng tôi, thực hiện điều chúng tôi đã đề nghị suốt thời gian qua", Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee viết trên Twitter.
Ấn Độ đang tiêm trung bình 2,4 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi ngày. Giới chức y tế cho biết con số này quá nhỏ so với một quốc gia rộng lớn như Ấn Độ. "Chúng ta cần tiêm 7-8 triệu người mỗi ngày để đạt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả những người đủ điều kiện trước cuối năm nay", Giridhara Babu, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, cho biết.
Giới chức muốn chuyển trọng tâm sang tiêm chủng đại trà trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm đáng kể. Các bang dự kiến nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh từ tuần sau.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 51.317 ca nhiễm và 2.178 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 17.037.129 và 476.792.
Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, hôm 7/6 cho biết Brazil nên xem xét lại việc đăng cai tổ chức Giải vô địch Bóng đá Nam Mỹ Copa America nếu không thể kiểm soát rủi ro liên quan đến Covid-19. Trước đó, Argentina đã rút khỏi vai trò tổ chức giải đấu, dự kiến diễn ra từ 13/6 đến 10/7, do tình hình đại dịch tại đây đang tồi tệ hơn.
Giới chức Brazil cho biết các trận đấu sẽ được tổ chức mà không có khán giả, cùng thủ tục xét nghiệm nCoV bắt buộc với các đội sau mỗi 4 giờ, đồng thời hạn chế di chuyển và những chuyến bay tư nhân đưa các đội đến địa điểm thi đấu tại 4 thành phố. Tuy nhiên, việc đăng cai làm nước chủ nhà Copa America đã trở thành vấn đề gây chia rẽ nội bộ sâu sắc.
Ánh Ngọc (Theo Worldometers, SCMP, AFP, Reuters)