Sáng 28/4, Bộ Y tế ghi nhận trong 24 giờ qua thêm gần 3.000 ca nhiễm, hơn hôm trước khoảng 300 ca và cao nhất từ đầu tháng 4 đến nay. Tuy nhiên, số bệnh nhân phải thở oxy giảm còn 85 ca, ít hơn hôm trước 38 ca. Trong đó, 6 ca thở máy xâm lấn, một ca thở máy không xâm lấn, số bệnh nhân còn lại thở oxy dòng cao HFNC và oxy mặt nạ (mask).
Cục Quản lý Khám chữa bệnh phân tích 25 ca bệnh nặng, nguy kịch (suy hô hấp cần can thiệp oxy hỗ trợ như thở máy, HFNC, oxy mặt nạ), cho thấy 90% mắc bệnh lý nền nặng trước đó. Nhóm này sau khi được can thiệp điều trị phù hợp có 76% phục hồi hoàn toàn.
Đánh giá bệnh nhân Covid từ đầu tháng 4 đến nay, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ ca nặng là 1,1-1,4%, mặc dù số ca nhiễm tăng. Kết quả giải trình tự gene virus các mẫu trong tháng 3 và 4, hầu hết nhiễm chủng XBB của Omicron. Kết hợp với các đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân điều trị trong đợt này, hầu hết có các triệu chứng viêm đường hô hấp trên như sốt, ho, mỏi cơ.
Bác sĩ Nguyễn Thành Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, nhận định: "Biến chủng mới của Omicron không gây bệnh nặng bằng biến chủng Delta hai năm trước". Đây cũng là nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi Hội Truyền nhiễm TP HCM, khi ông cho rằng số ca nhiễm tăng nhưng không làm quá tải hệ thống y tế.
Theo bác sĩ Khanh, một virus hô hấp chắc chắn sẽ có những đột biến nhỏ, nhưng phần cấu trúc chính khó thay đổi. Các biến chủng Omicron hiện lây lan nhanh hơn, nhưng không mang độc lực hơn so với chủng cũ. "Các biến chủng sau này có thể cũng sẽ tương tự", ông Khanh nói.
Dẫn các nghiên cứu trên thế giới về độ gây bệnh nặng của các biến chủng mới, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP HCM, cũng cho rằng mức độ nặng của bệnh Covid không tăng hơn trước.
"Các thống kê ở nhiều quốc gia cho thấy hiện các triệu chứng chung của Covid-19 vẫn không thay đổi, triệu chứng nhiều hay ít còn tùy thuộc cơ thể mỗi người", PGS Dũng nói, thêm rằng các biến chủng mới gần đây đều của Omicron chứ không phát hiện chủng hoàn toàn mới. Điều đó cho thấy Covid-19 có thể đã đi đến tận cùng của sự biến đổi, trở thành một bệnh hô hấp thông thường.
Thực tế, các biến chủng phát hiện qua giải trình tự gene virus tại Hà Nội và TP HCM từ giữa tháng 4 đến nay tương đồng thế giới. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận xét đây là những biến chủng đang được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo dõi sát do tăng khả năng lây truyền và né tránh hệ miễn dịch. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực. Các triệu chứng bệnh đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ.
Hiện nhiều người tái nhiễm Covid-19 và cho rằng triệu chứng nặng hơn lần nhiễm đầu. Tuy nhiên, bác sĩ Phong cho biết không thể khẳng định tái nhiễm lần sau sẽ có triệu chứng nặng hơn lần trước. Điều này phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, loại vaccine họ tiêm, nồng độ kháng thể trong cơ thể là bao nhiêu. Thời gian bệnh nhân dương tính dài hay ngắn hơn so với những đợt dịch trước, hiện cũng chưa có nhiều bằng chứng để khẳng định.
Cũng quan điểm này, còn phó giáo sư Dũng cho hay bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là mức độ miễn dịch của cơ thể. Ví dụ, cơ thể có hệ miễn dịch mạnh thì virus xâm nhập sẽ bị chống lại ngay, còn sức đề kháng yếu thì bệnh nặng hơn.
"Nhiều người mắc Covid-19 lần đầu có triệu chứng nhẹ vì khi đó mới tiêm chủng, hiện tại tái nhiễm có thể do một thời gian dài không tiêm nhắc, sức đề kháng yếu nên triệu chứng nặng hơn", ông Dũng nói.
Bộ Y tế và các chuyên gia đề nghị tiếp tục tiêm vaccine ngừa Covid cho nhóm nguy cơ cao để ngăn chuyển nặng và tử vong. Bộ cũng khuyến cáo trong dịp nghỉ lễ, người dân cần tuân thủ 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm vaccine, đảm bảo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Lê Nga - Mỹ Ý