Ngày 2/8, báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, không nêu rõ số lượng ca nhiễm biến chủng này tại Hà Nội, TP HCM và Cần Thơ là bao nhiêu. Còn Bình Dương ghi nhận hai ca nhiễm BA.5 tại thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng; Tiền Giang có một ca nhiễm về từ Thụy Sĩ.
Theo Cục Y tế dự phòng, biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với BA.2 - là chủng chủ yếu gây ra làn sóng Covid-19 tại Việt Nam hồi tháng 3.
Cục này dự báo, thời gian tới, trong nước có thể ghi nhận nhiều hơn ca nhiễm biến chủng mới và số mắc sẽ tăng trở lại, khiến ca nhập viện và chuyển nặng tăng.
Thực tế, số nhiễm toàn quốc đã tăng cao kể từ cuối tháng 7 đến nay. Liên tiếp ba ngày 2-3-4 tháng 8, cả nước ghi nhận thêm hơn 2.000 F0 mỗi ngày. Ví dụ, hôm 3/8, toàn quốc ghi nhận gần 2.100 ca nhiễm - cao nhất trong vòng 80 ngày trở lại đây. Tối 4/8, toàn quốc có thêm 2.012 ca mắc mới, Sở Y tế Hải Phòng công bố bổ sung hơn 400.000 ca, hơn 100 ca nặng. So với một tuần trước, số nhiễm mới tăng gấp đôi. Số nặng tăng 92% từ 42 lên 112 ca trong vòng 7 ngày.
Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ cho rằng người dân không nên quá lo ngại trước diễn biến mới của dịch Covid-19. Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP HCM, cho biết một làn sóng dịch mới sẽ xuất hiện khi có biến chủng mới xâm nhập, tuy nhiên "sẽ không nặng nề". Trong bối cảnh Việt Nam có độ phủ tiêm chủng tốt, tỷ lệ tử vong và F0 nặng cần nhập viện sẽ thấp.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, nói thêm "bức tranh chung vẫn sáng sủa so với năm ngoái, Việt Nam đã rất thành công kiểm soát đại dịch". Theo ông Hùng, mặc dù có nhiều biến chủng khác nhau, song Omicron vẫn chiếm chủ đạo ở trong nước với các đặc tính chung là độ lây nhiễm cao, nhưng độc lực giảm. Người bệnh có triệu chứng nhẹ, tự điều trị tại nhà, tỷ lệ người nhập viện phải thở oxy, điều trị hô hấp rất nhỏ so với số nhiễm.
Dù vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân không chủ quan do dịch bệnh vẫn hiện hữu. Phó giáo sư Hùng cho biết người nhiễm có triệu chứng bệnh nên ý thức cảnh báo những người xung quanh, đeo khẩu trang, có thể làm việc tại nhà (nếu điều kiện cho phép) và hạn chế đến nơi đông người.
Đối với nhóm nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém, mọi người cần tiêm liều bổ sung theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Người chưa tiêm chủng cần nhanh chóng tiêm vaccine đầy đủ để bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc mầm bệnh.
Mỹ và châu Âu hiện cũng trải qua làn sóng dịch bệnh mới với số ca nhiễm tăng hàng nghìn mỗi ngày, chủ yếu do chủng BA.4, BA.5 gây ra. Số ca mắc mới cũng ghi nhận tăng ở nhiều nước, đặc biệt tại Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Campuchia... Tuy nhiên, các nước đều ghi nhận số ca nặng và tử vong không tăng mạnh như các làn sóng năm 2020-2021. Do đó, hầu hết chính phủ khuyến cáo người dân tiêm vaccine liều nhắc lại và đeo khẩu trang, không áp đặt các biện pháp chống dịch hà khắc như trước.
Chi Lê