Một người chồng tuyệt vời không đồng nghĩa với một người cha hoàn hảo. Khi đứa trẻ đầu tiên cất tiếng khóc chào đời và mọi thứ trong cuộc sống của bạn sẽ bị đảo lộn. Bạn bắt đầu nghi ngờ khả năng nuôi dạy con của anh ấy. Điều này là hoàn toàn tự nhiên bởi với bản năng bảo vệ và không muốn chia sẻ của người mẹ, bạn cho rằng chỉ có bạn biết cách nuôi con tốt nhất.
Trong trường hợp này, nửa kia của bạn sẽ trở nên thiếu tự tin và dần trở nên xa cách với con mặc dù anh ấy không muốn thế. Trước khi điều này xảy ra hoặc nổ ra xung đột trong cách nuôi dạy con, bạn cần tạo ra không khí hòa bình trong tổ ấm của mình và giúp anh ấy từng bước trở thành một người cha tốt. Dưới đây là những lời khuyên dành cho bạn:
1. Tạo điều kiện cho anh ấy thể hiện vai trò
Anh ấy không phải được sinh ra với bản năng thay bỉm siêu tốc và sẽ làm lộn xộn mọi thứ chỉ trong vài phút. Nhưng hãy thừa nhận rằng ngay cả phụ nữ cũng gặp khó khăn khi chăm sóc con trong những lần đầu tiên. Cách tốt nhất là hãy để anh ấy có cơ hội thể hiện vai trò của mình và học dần kinh nghiệm chăm sóc con. Đứa con không phải chỉ của một mình bạn, vì vậy, anh ấy sẽ không làm điều gì có hại cho trẻ. Và bạn cần phải tin tưởng cũng như tạo điều kiện cho anh ấy tự mình xử lý các tình huống khi chăm sóc con và trở thành một người bố tốt.
2. Yêu cầu sự giúp đỡ của anh ấy nhiều hơn
Trong những trường hợp bạn cảm thấy mình có nhiều kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc con hơn thì hãy lôi kéo anh ấy tham gia để học cách chăm trẻ từ bạn thay vì tỏ ra độc lập và tự mình cố gắng làm mọi việc. Tất nhiên là bạn có thể làm mọi việc một mình nhưng nếu có sự giúp đỡ của anh ấy, mọi việc sẽ trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. Bạn cần yêu cầu anh ấy tham gia vào việc chăm sóc con và để anh ấy tích lũy kinh nghiệm cần thiết. Đồng thời, việc này cũng sẽ khiến anh ấy cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến con khôn lớn hàng ngày.
3. Luôn khiến trẻ nghĩ rằng anh ấy là người cha tốt
Nếu bạn không hài lòng hay đồng ý với cách dạy con của anh ấy, bạn hãy trao đổi ý kiến của bạn sau đó thay vì phản đối trước mặt con. Bằng cách này, trẻ sẽ không mất đi sự tôn trọng đối với người bố và vẫn nghĩ rằng đó là một người bố tuyệt vời. Và ngược lại, trong trường hợp anh ấy làm điều gì đó tuyệt vời cho con, hãy dành những lời tán thưởng cho anh ấy ngay trước mặt các con và chúng sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Bạn sẽ tạo ra một hình ảnh người cha mẫu mực trong mắt các con và đó là cách bạn gìn giữ sự hòa bình trong tổ ấm của mình.
4. Luôn nhắc nhở anh ấy về vai trò của mình
Nếu con bạn đã chuẩn bị bước vào lứa tuổi đi học và nửa kia của bạn chưa hề nghĩ đến kế hoạch tiết kiệm cho tương lai. Hãy nói với anh ấy rằng đó là điều cần làm và cả hai cần suy nghĩ nghiêm túc về điều đó. Đôi khi, anh ấy không hiểu rõ về trách nhiệm trong gia đình. Vì vậy, bạn hãy nhắc nhở anh ấy về điều này để anh ấy hiểu rõ và ghi nhớ về việc hỗ trợ người bạn đời duy trì tổ ấm. Tuy nhiên, bạn nên nói chuyện nhẹ nhàng thay vì đòi hỏi và kì kèo về việc này.
5. Thay đổi quan niệm
Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau và cách nuôi dạy con cũng khác nhau. Cách nuôi dạy con của gia đình khác chưa chắc đã phù hợp với bạn và ngược lại. Bạn cần nuôi dạy con tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình và cá tính của trẻ. Đồng thời, bạn cũng cần xem lại những kỳ vọng của mình về nửa kia. Không phải người đàn ông đã kết hôn nào cũng biết cách nuôi nấng con một cách hoàn hảo. Mỗi người sẽ đối diện với các tình huống theo cách khác nhau và bạn không thể trông chờ quá nhiều hoặc không gì cả từ phía nửa kia. Bạn cần biết anh ấy có thể làm tốt những việc gì và trân trọng những điều đó. Bên cạnh đó, có những việc anh ấy không thạo và bạn cần giúp đỡ anh ấy. Việc chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con công bằng là rất quan trọng thay vì ép buộc hay áp đặt cho nửa kia.
Chẳng hạn như, nếu anh ấy giỏi toán, hãy để anh ấy chịu trách nhiệm kèm cặp con học môn này trong khi bạn giúp đỡ con học tiếng Anh. Hãy chia sẻ trách nhiệm thay vì dồn toàn bộ trọng trách này cho anh ấy. Với cách này, anh ấy sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình đồng thời giành được sự ngưỡng mộ và tôn trọng từ trẻ. Bạn sẽ sớm nhận ra rằng việc giúp chồng bạn trở thành một người cha tốt cũng giúp hai bạn hiểu thêm về người bạn đời của mình cũng như củng cố mối quan hệ. Sự giao tiếp là mấu chốt giúp giải quyết các vấn đề. Tức giận, thiếu thiện chí hay thô lỗ với nhau sẽ chỉ tạo nên không khí nặng nề và tiêu cực trong gia đình và điều này không hề tốt cho sự phát triển của trẻ.
Hương Giang (theo magforwomen)