Ảnh trên là ngã tư đường Nguyễn Ngọc Vũ rẽ phải ra Lê Văn Lương, tôi chụp 19h ngày 20/9. Tôi đi làm về phải qua ngã tư này, và lần nào đến đây cũng thấy hết sức khó hiểu với biển báo "Đèn đỏ được phép rẽ phải".
Bạn nào ở Hà Nội thì biết đường Nguyễn Ngọc Vũ này rất nhỏ, hai chiều lưu thông, mỗi chiều chỉ đủ một làn. Tức là nếu chờ đèn đỏ, một chiếc ôtô đã chiếm gần hết làn. Vậy nên, người chờ đèn đỏ có muốn cũng không có chỗ tránh cho những xe phía sau muốn rẽ phải. Hôm nào tôi về tới đây cũng phải nghe những tràng còi từ phía sau rồi tiếng hò hét "xin được rẽ phải", người thiếu lịch sự thì quát vào mặt người khác "không thấy biển à".
Ngã tư này là điểm đen giao thông mỗi giờ tan tầm, vậy không hiểu đặt biển báo này ở đây giải quyết được điều gì? Có phải để tận dụng những người rẽ phải, bớt lưu lượng giao thông?
Sở dĩ tôi thấy lạ vì cũng chính đường Nguyễn Ngọc Vũ này, nhưng ở hướng ngược lại, ngã tư giao với Trần Duy Hưng, rẽ phải để đi Nguyễn Chí Thanh thì không có biển "đèn đỏ được rẽ phải", dù theo quan sát của tôi đi làm hàng ngày, ngã tư này thoáng hơn nhiều so với đoạn ngược lại. Nhiều khi tôi muốn rẽ phải thì vẫn phải chờ hết đèn, rất lãng phí thời gian.
Tương tự vậy, trên đường Hà Nội còn nhiều điểm vô lý khác. Ví dụ La Thành rẽ phải ra Nguyễn Chí Thanh cũng một làn đường, rất đông đúc, nhưng vẫn cắm biển được rẽ phải. Xin lưu ý, tất cả những ngã tư này, không có đường nhánh riêng dành cho rẽ phải.
Ngược lại, đường to đôi khi lại không có. Ngã tư Trần Thái Tông rẽ phải ra đường Cầu Giấy là một điển hình. Đường Trần Thái Tông tới 3 làn, ngã tư còn đường mở rộng về bên phải, nhưng ở đây là không có biển "được rẽ phải khi đèn đỏ". Đường thoáng nhưng ôtô, xe máy vẫn phải nối đuôi đứng chờ. Tất nhiên, những trường hợp vượt cũng không ít.
Vậy, nhờ những bạn có hiểu biết giúp tôi, khi nào thì cắm biển "Đèn đỏ được rẽ phải"?
Độc giả Hoàng Tùng