Đầu năm 2000, Nguyễn Thế Dũng (quê ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang) nghe tin BIECO đang tuyển lớp học tiếng Hàn Quốc để đi lao động 3-5 năm tại nước này (theo quy định, các hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài chỉ ký tối đa là 2 năm), với mức lương có thể tới "hàng nghìn USD". Ngay lập tức, gia đình Dũng chạy vạy họ hàng, bạn bè và làm thủ tục vay Ngân hàng NN&PTNT huyện 21 triệu đồng.
Ngày 12/7/2000, Dũng nộp hồ sơ và 28 triệu đồng (tương đương 2.000 USD) tiền đặt cọc, để tham gia lớp học tiếng Hàn Quốc 45 ngày, ngay tại trụ sở BIECO. Sau đó, Dũng nộp thêm 50 triệu đồng với lý do "gửi tiền đăng ký học tiếng Hàn đi lao động hợp tác".
Cùng với Dũng là 36 thanh niên từ các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Tân Yên... (Bắc Giang) và Hà Tây, Bắc Ninh, với tổng số tiền đã nộp tới gần 1,2 tỷ đồng. Nhưng từ khi nộp tiền đến nay đã tròn 1 năm, 37 người không được "xuất ngoại" mà cũng chẳng thể lấy lại được số tiền đã nộp. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp khác ở Bắc Giang, để đến với BIECO, đã đóng qua môi giới 500 USD/người. May mắn với họ là sau khi nhận thấy có "trục trặc" tại BIECO, số tiền trên đã được trả lại.
Trong một năm đó, BIECO liên tục có những cam kết (giấy hẹn) với lý do: "Bên đối tác của công ty chúng tôi chưa chuẩn bị kịp đầy đủ mọi thủ tục như đã cam kết để tiếp nhận lao động vào làm việc được ngay, vì vậy chúng tôi xin quý ông vui lòng lui lại đến ngày...". Cái ngày hẹn đó đã "lui" từ 10/8/2000, rồi 15/12/2000, rồi đến tận bây giờ.
Giám đốc "mất tích" cùng 1,2 tỷ đồng
Liên lạc với Giám đốc BIECO Nguyễn Thế Được cho đến nay hoàn toàn bị cắt đứt. Số máy điện thoại cố định và di động của ông ta đã bị "dừng phục vụ" từ ngày 25/6 do không đóng cước. Gia đình ông Được ở thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, Từ Sơn, Bắc Ninh thì cũng chỉ nói Được đi vắng từ nhiều ngày nay, không biết đi đâu. Vậy là ông giám đốc cùng với 1,2 tỷ đồng của hàng chục người đã "mất tích".
Ngày 18/7, Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài (Bộ LĐTB&XH) Trần Văn Hằng khẳng định: Bộ chưa hề cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho một công ty nào có tên là BIECO. Việc công ty trên tuyển và thu tiền của người lao động rõ ràng là đã vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động. Ngoài ra, một số visa mà BIECO làm cho người lao động để xuất cảnh sang Hàn Quốc cũng được Đại sứ quán Hàn Quốc khẳng định là giả.
Trước 30/7, BIECO phải trả lại tiền cho người lao động
Trao đổi với báo giới ngày 20/7, ông Ngụy Thế Hùng, kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao, cho biết VKS cũng vừa nhận được thông tin từ Cục Quản lý lao động với nước ngoài về việc BIECO tuyển lao động trái phép đi Hàn Quốc. Viện đã bước đầu kiểm tra và yêu cầu đơn vị này trả lại toàn bộ số tiền đã thu của người lao động, hạn cuối cùng là 30/7. Nếu sau ngày đó, BIECO vẫn không trả được, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự về tội chiếm đoạt tài sản công dân. Thế nhưng những ngày qua, VKSND Tối cao cũng không liên lạc được với Nguyễn Thế Được. Có tin cho rằng ông Được đang đi Trung Quốc để... thu nợ.
(Theo Lao Động)