Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố Nghị quyết phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, từ nguồn lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ năm 2022.
Theo kế hoạch, nhà băng này sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu, tương đương 21% cổ phần đang lưu hành. Thời gian dự kiến phát hành trong tháng này hoặc vào quý I năm sau. Theo đó, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm hơn 11.970 tỷ, lên 68.975 tỷ đồng.
Vốn tăng thêm sẽ được BIDV tập trung cho cơ cấu danh mục tín dụng, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI có tiềm năng và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh, bán lẻ. Đồng thời, ngân hàng sẽ đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh...
Hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn (hệ số CAR) riêng lẻ của nhà băng quốc doanh này vào cuối 2023 ở mức 8,85%, vẫn đáp ứng yêu cầu tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước.
Theo định hướng cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11-12%, đến 2030 tối thiểu 12%. Do đó, để đạt hệ số CAR theo mức này, BIDV cho biết nhu cầu cần thiết tiếp tục gia tăng vốn tự có.
Hiện Nhà nước là cổ đông lớn nhất sở hữu gần 81% vốn BIDV. Bên cạnh đó, cổ đông chiến lược Keb Hana Bank nắm giữ 15% cổ phần ngân hàng. Tổng cộng, tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại BIDV khoảng 16,96%.
Bên cạnh BIDV, mới đây Quốc hội cũng thông qua chủ trương bổ sung vốn gần 20.700 tỷ đồng cho "ông lớn" Vietcombank. Theo kế hoạch này, Vietcombank thời gian tới cũng có thể phát hành cổ phiếu tỷ lệ 49,5% để chi trả cổ tức, tăng vốn lên 83.557 tỷ đồng, có thể là mức cao nhất ngành ngân hàng.
Quỳnh Trang