Theo đại diện BIDV, đây là sự ghi nhận những cố gắng của ngân hàng trong hoạt động phát triển bền vững, cũng như những đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển bền vững quốc gia.
Để đạt giải thưởng, các doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí của bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) trên nhiều khía cạnh: quản trị doanh nghiệp; môi trường; lao động, xã hội. Bộ chỉ số CSI 2024 bổ sung nhiều chỉ số định lượng mới đặc biệt về môi trường và phân định rõ ràng hơn theo hai nhóm: "tuân thủ" - chỉ số cơ bản, "sáng kiến" - chỉ số nâng cao.
Nhận thức vai trò của tăng trưởng bền vững và kinh tế xanh, BIDV xác định mục tiêu "hướng tới sự phát triển bền vững" trong Chiến lược kinh doanh 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, ngân hàng theo đuổi chiến lược định vị thương hiệu ngân hàng xanh, trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về thực hành ESG (môi trường - xã hội - quản trị) và tài chính bền vững, dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh, thực hiện lộ trình chuyển đổi thành Ngân hàng phát thải ròng bằng "0" (Net-Zero Bank) vào năm 2045.
Bên cạnh đó, BIDV còn thành lập Ban Chỉ đạo ESG và Ban Quản lý dự án xây dựng Chiến lược phát triển bền vững. Đây là bước tiến quan trọng, định hình mô hình triển khai ESG toàn diện tại Việt Nam. BIDV tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý theo định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong kiến tạo nền kinh tế xanh. Ngoài việc ban hành Khung khoản vay bền vững và Khung trái phiếu xanh, ngân hàng triển khai Khung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tài trợ thương mại (ESMS), hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu đẩy mạnh giao thương toàn cầu.
Đặc biệt, BIDV được đánh giá là ngân hàng thương mại dẫn đầu tại Việt Nam trong việc huy động vốn xanh và cho vay các dự án xanh. Đây là đối tác chiến lược của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, đứng đầu trong hoạt động nguồn vốn ủy thác nước ngoài. BIDV quản lý hơn 250 nguồn vốn ủy thác từ Chính phủ các nước Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc; nhiều định chế tài chính quốc tế lớn như WB, AFD, ADB với tổng giá trị cam kết 19,7 tỷ USD (500.000 tỷ đồng). Năm 2023 và 2024, BIDV huy động được 5.500 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu xanh và trái phiếu bền vững.
Từ nguồn vốn đó, nhà băng triển khai các chương trình tín dụng xanh ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp. Với doanh nghiệp, BIDV triển khai gói tín dụng 4.200 tỷ đồng cho doanh nghiệp dệt may đạt tiêu chuẩn bền vững quốc tế, gói 10.000 tỷ đồng cho các dự án thân thiện với môi trường, gói 5.000 tỷ đồng tài trợ dự án sản xuất nước sạch. Với khách hàng cá nhân, ngân hàng triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay nhu cầu đời sống sử dụng năng lượng xanh.
Tính đến ngày 30/9, BIDV tài trợ tín dụng xanh cho 1.680 khách hàng với 2.068 dự án, phương án, dư nợ xanh đạt 75.100 tỷ đồng. Với quy mô tín dụng xanh hiện tại, BIDV dự kiến tiếp tục tăng trưởng dư nợ và duy trì vị thế dẫn đầu về thị phần tín dụng xanh.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, BIDV còn thực hiện trách nhiệm xã hội vì cộng đồng và triển khai công tác an sinh xã hội hiệu quả. Ngoài ra, ngân hàng tích cực triển khai sáng kiến xanh liên quan bình đẳng giới và cam kết nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu cho cộng đồng.
Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.