Tại phiên họp thường niên sáng 29/4, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã nhận được nhiều câu hỏi của cổ đông xoay quanh kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận mạnh này.
Tổng giám đốc BIDV, Lê Ngọc Lâm cho biết những năm vừa qua, ngân hàng này dành nguồn lực để trích lập dự phòng tương đối cao để nâng cao chất lượng tín dụng. Hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của BIDV ở mức 0,82%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 235%.
"Vì vậy, năm 2022 với chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt hơn, tỷ lệ trích lập dự phòng trên chênh lệch thu chi sẽ giảm. Điều này sẽ giúp lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tốt hơn. Và đây cũng kết quả của quá trình tái cơ cấu BIDV giai đoạn 2016 - 2020", ông Lâm cho biết.
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cũng thông tin thêm rằng, năm 2021 nếu không có dịch Covid-19, lãi của ngân hàng này chắc chắn sẽ tăng trưởng cao hơn. Ông nói năm ngoái, BIDV chỉ đạt lợi nhuận 12.500 tỷ đồng khi đã phải dành nguồn lực khoảng 7.900 tỷ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo ông Tú, năm 2022, mức trích lập dự phòng rủi ro của BIDV sẽ giảm 6.000 tỷ đồng so với năm 2021, xuống còn 23.000 tỷ đồng. Ông tin tưởng BIDV sẽ đạt được kế hoạch tăng trưởng 52% lợi nhuận năm nay nhờ giảm trích lập cùng tiết giảm chi phí.
Chiến lược đến năm 2025, nhà băng này đặt mục tiêu tăng lợi nhuận 19-26%. Chủ tịch BIDV đánh giá đây là mức khá cao so với tỷ lệ tăng trưởng dự nợ tín dụng 10-12% mỗi năm. Tuy nhiên, ông Phan Đức Tú khẳng định BIDV sẽ thực hiện đúng cam kết với cổ đông, tăng trưởng lợi nhuận nhanh hơn so với mức tăng trưởng tổng tài sản, nhanh hơn tăng trưởng dư nợ và số trích lập dự phòng rủi ro sẽ giảm xuống.
Đến 31/12, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,76 triệu tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2020. BIDV tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,64 triệu tỷ, dư nợ tín dụng khoảng 1,67 triệu tỷ (tăng 16,6% với năm 2020).
Quý I, BIDV đạt lợi nhuận hợp nhất 4.513 tỷ đồng, tương đương 22% kế hoạch cả năm. Huy động vốn tăng 1,3% so với đầu năm, dự nợ tín dụng tăng 4,7% so với năm 2021, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,8%.
Tại phiên họp hôm nay, BIDV cũng trình đại hội đồng cổ đông thông qua 2 phương án phát hành để tăng thêm vốn điều lệ thêm hơn 10.600 tỷ, lên 61.208 tỷ đồng. Theo đó, nhà băng này dự kiến phát hành 607 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Bên cạnh đó, BIDV cũng tính chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 455 triệu cổ phần giai đoạn 2022 - 2023.
Anh Tú